Văn hóa giao thông New Zealand: những điều chúng ta có thể học hỏi

Bài văn hóa giao thông này bắt nguồn từ cá vụ tai nạn giao thông gần đây ở VN. Mới nhất là 1 quý bà uống rượu say & lái xe gây chết người.

Nội dung bài viết chia làm các phần

  • Văn hóa giao thông có phải là những khẩu hiệu sáo rỗng?
  • Số liệu thống kê tai nạn giao thông tại Việt Nam
  • Sự bất hợp lý của đèn tín hiệu, phân luồng ở VN
  • Những điều chúng ta có thể học từ văn hóa giao thông của người New Zealand

Văn hóa giao thông là gì?

Văn hóa giao thông là tập hợp những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra theo lý tưởng chân thiện mỹ trên lĩnh vực giao thông (Tạp Chí Giao Thông)

Nói đến văn hóa giao thông là nói đến cái phải, cái thiện, cái đẹp của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong xây dựng và thực thi pháp luật về giao thông và trong tham gia giao thông.

văn hóa giao thông

Nếu theo định nghĩa trên, thì rõ ràng phần lớn người Việt Nam không có văn hóa giao thông.

Vấn đề thực thi pháp luật

Nói đến luật tức là nói đến việc tuân thủ. Luật là luật, và đã là luật thì phải tuân theo. Không thể có chuyện yêu cầu tự giác, gương mẫu.

Những hành vi vi phạm luật giao thông tiêu biểu

  • vượt đèn đỏ,
  • dừng đậu xe không đúng quy định,
  • bật pha trong phố,
  • đi ngược chiều
  • điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu,
  • chở quá số người quy định,

Tính cộng đồng khi tham gia giao thông

Người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa người với người khi tham gia giao thông.

Những hành vi mang tính cộng đồng tiêu biểu

  • không chen lấn,
  • bóp còi inh ỏi,
  • cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông,
  • chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường;
  • báo cảnh sát giao thông hành vi sai phạm của người khác;
  • thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.

Văn hóa giao thông không phải những khẩu hiệu sáo rỗng; những cuộc ra quân rầm rộ bắt cóc bỏ dĩa; hay cho học sinh nắm tay làm dãi phân cách trên đường.

Thống kê tai nạn giao thông tại Việt Nam

Trong 8 tháng đầu năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 11.782 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.366 người, bị thương 9.200 người.

Tính bình quân, mỗi ngày có 49 vụ tai nạn giao thông, 22 người chết và 38 người bị thương. Quan trọng là gần 60% các vụ tai nạn giao thông là do xe máy

Phân tích cho thấy có 4 yếu tố cơ bản liên quan đến 1 vụ tai nạn, bao gồm: tài xế, phương tiện, đường xá và tình trạng giao thông. Trong đó, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn là do lỗi của người điều khiển, bảo dưỡng xe không đúng cách và các sự cố liên quan đến xe.

Sự bất hợp lý của đèn tín hiệu & phân luồng ở VN

 

Phan luong giao thong

Phần lớn đường ở NZ từ 1-2 làn 1 bên và có dãi phân cách hình vẽ, có chiều rộng tương đương 1 thân xe. Làn này dùng để các phương tiện tấp vào để quẹo phải hoặc trái. Với cách như vậy, chiếc xe có ý định quẹo không gây nghẽn cho xe phía sau. Trong trường hợp có nhiều xe cần quẹo nối đuôi nhau, thì xe sau cứ đậu tiếp trên dãi phân cách đó. Khi xe đỏ về đến nhà, họ chờ quẹo trên dãi phân cách, đợi không có xe ngược chiều và quẹo vào nhà

Tất cả ngã tư tại NZ được điều khiển bằng tín hiệu đèn hoặc vòng xuyến (roundabout). Ngay cả khi bạn muốn quẹo như xe đỏ tại ngã 4 trên hình, bạn vẫn phải đợi tín hiệu đèn quẹo. Đây là phần khác biệt nhất đối với phần lớn đường tại VN

Văn hóa giao thông New Zealand

Bằng lái xe

Việc thi bằng lái tại Việt Nam rất dễ dãi, thậm chí gian lận. Có một thực tế khác là hiện tượng bằng giả nhan nhãn mà bạn có thể google được

Để lấy được bằng lái xe New Zealand không đơn giản.

bằng lái xe new zealand

Đầu tiên bạn phải học luật và thi lý thuyết để nhận bằng learner.

Khi có bằng leaner, bạn được phép lái xe với sự hướng dẫn của thầy dạy. Thầy dạy có thể là người có bằng dạy lái xe, hoặc là người có bằng đầy đủ (full) 2 năm kinh nghiệm trở lên.

Sau 6 tháng kể từ ngày có bằng learner, bạn trải qua 1 kỳ thi thực hành. Kỳ thi này gọi là thi giới hạn (restricted). Nếu đậu, bạn được quyền lái xe từ 5 giờ sáng đến 10h tối. Nếu lái ngoài giờ đó, bạn buộc phải có người có bằng Full ngồi kế bên. Nếu bạn lái xe 1 mình mà không có người có bằng Full ngồi kế bên, bạn không được chở bất kỳ ai khác TRỪ gia đình trực tiếp của bạn.

Nếu bạn từ 18 đến 25 tuổi và muốn thi bằng không giới hạn (Full), bạn phải đợi đủ 18 tháng kể từ khi bạn có bằng Restricted. Nếu trên 25 tuổi, bạn phải đợi 6 tháng để thi bằng Full. Lúc này bạn muốn lái giờ nào, chở ai cũng được

Rõ ràng với cách này, bạn sẽ không bắt gặp cảnh choai choai lái xe bất chấp luật lệ, bất chấp tính mạng người khác.

Rượu bia & lái xe

Việc lái xe uống rượu và gây tai nạn chết người xảy ra thường xuyên ở VN. Mới đây nhất là sự kiện quý bà thành đạt lái BMW gây chết người.

Những dịp lễ, tết là tỷ lệ tai nạn do rượu bia tăng vọt. Luật VN quy định lái xe không được uống rượu bia. Nhưng tại sao tài xế không tuân thủ.

Vì người Việt Nam không quý trọng mạng sống của mình. Nếu họ biết quý trọng mạng sống của chính họ, gia đình họ, thì họ sẽ không cầm lái sau khi uống. Chính vì không quý trọng mạng sống của mình, thì đừng mong họ quý trọng mạng sống của người khác.

Một số người cho rằng việc khích bác/ép nhau uống rượu là nguyên nhân. Tôi cho rằng đây là ngụy biện. Bạn không muốn uống thì không ai ép được.

Sau 1 cuộc vui và bạn bị tai nạn, những người bạn nhậu của bạn lại vui bên bàn nhậu khác. Chỉ có vợ con, gia đình bạn mới gánh chịu hậu quả

Bán rượu, bia quá giới hạn

Lượng bia rượu tiêu thụ thuộc hàng cao nhất thế giới không phải là nguyên nhân tai nạn.

Việc mua rượu, bia ở VN rất dễ dàng. Vào siêu thị mua, chẳng ai kiểm tra bạn bao nhiêu tuổi. Hàng quán mọc lên như nấm. Bán rượu từ sáng đến khuya. Những cuộc nhậu “100% dzô” diễn ra liên tục. Khi bạn gục tại bàn, bạn vẫn có thể tiếp tục mua rượu.

New Zealand thì khác. Rượu chỉ được bán ở những nơi có giấy phép bán rượu. Và người bán rượu cũng phải có giấy phép phục vụ rượu.

Người bán khi nghi ngờ bạn nhỏ hơn 18 tuổi (nhìn mặt), họ sẽ đòi bạn có giấy tờ chứng minh tuổi. Nếu họ thấy bạn đã say xỉn, họ sẽ không bán.

Người Việt tại NZ thì sao? Khi ở VN, có thể họ cũng chén chú chén anh rồi sau đó lên xe phóng đi. Nhưng người Việt ở NZ thì hoàn toàn khác. Mời họ uống 1 chai bia, họ từ chối vì phải lái xe về. Nếu uống, thì cũng chỉ uống vui, chơi lâu để lượng cồn trong máu giảm xuống rồi mới về.

Khu vực cấm rượu bia

Người thực thi công lý

Vì sao người VN không sợ cảnh sát giao thông?

Vì cảnh sát VN rất dễ bị mua chuộc bằng hối lộ. Người phạm lỗi thì chung tiền trực tiếp cho công an, vừa ít tiền hơn nộp phạt, vừa thuận tiện. Cảnh sát không giúp cho việc thực thi pháp lý 1 cách trung thực minh bạch mà còn tư vấn cho người phạm lỗi nặng thành lỗi nhẹ.

New Zealand không có cảnh sách giao thông. Tất cả được gọi chung là cảnh sát (Police) và chỉ có 1 đồng phục duy nhất.

Bạn sẽ rất khó bắt gặp cảnh sát NZ bụng phệ đứng ở ngã tư, hay núp lùm bắn tốc độ. Từ trẻ con, đến người già đều yêu thích cảnh sát. Bất kỳ việc gì cần trợ giúp, người ta gọi 111.

Nếu bạn phạm luật giao thông, cảnh sát sẵn sàng cho bạn 1 vé phạt (ticket). Bạn có nghĩa vụ đóng tiền phạt cho nhà nước. Bạn đừng hòng mua chuộc cảnh sát

Phương tiện vận tải công cộng

60% các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy. Thẳng thắng mà nói, người VN lười vận động. Đi xa hay gần cũng chạy xe. Mà lên xe thì phóng ào ào và ít khi đội mũ bảo hiểm.

Việt Nam cần 1 nhà độc tài để cấm triệt để xe máy tại các thành phố lớn. Cấm xe máy hoàn toàn như tại Yangon ở Myanmar. Hoặc bán giấy phép lưu thông xe như ở Singapore.

Chính cái văn hóa xe máy, ngang dọc, thuận tiện mà hàng quán mọc la liệt.Chưa có quốc gia nào có tỷ lệ kinh doanh hộ cá thể cao như VN. Xe máy chạy trên vỉa hè của người đi bộ. Xe máy chen nhau vào làn ô tô; Xe máy đi ngang về dọc.

Dẹp xe máy, TNGT sẽ giảm bớt, ô nhiễm môi trường cũng giảm, phương tiện công cộng vì thế mà phát triển

Văn hóa giao thông - xe buýt

Xe ô tô cá nhân bên NZ rất nhiều. Nhưng để đi làm, phần lớn chọn đi xe buýt.

  • Vì chỗ đậu xe rất mắc tiền,
  • lái xe căng thẳng, để thời gian lái xe đọc sách hoặc xem phim trên xe
  • vì xe buýt có làn xe riêng đi nhanh hơn. Nếu ai chạy vào làn xe buýt thì sẽ bị ăn ticket ngay (xem hình trên)

Ý thức, văn hóa giao thông của người New Zealand

Người New Zealand làm gì cũng từ từ, có lẽ đây cũng là lý do NZ có năng suất lao động thấp nhất các nước OECD.

Phần lớn người tham gia giao thông nhường nhịn nhau, không chen lấn kiểu Việt Nam. Nếu bạn nghe tiếng còi xe từ phía sau, đồng nghĩa là người đi trước có vấn đề về tốc độ, lấn làn…

Phan luong giao thong

Nếu bạn là người đi bộ, chỉ cần bạn có ý định băng ngang đường (khu vực dành cho bạn), thì xe xanh (hình trên) sẽ dừng lại cho bạn đi

Khi chạy qua ngã 3, ngã 4 mà phía trước có tắc cục bộ xe không di chuyển được, thì họ không vượt. Vì như vậy sẽ gây tắc giao thông cho hướng đi khác

Đến trước bệnh viện, công an, PCCC, nếu phía trước có ùn tắc (như xe vàng, xanh) thì xe đen sẽ không bao giờ chạy lên. Vì như vậy là họ bít đường ra/vào của 3 đơn vị liên quan đến cứu người.

Kết luận

Đây là những trải nghiệm giao thông tại 2 quốc gia. Nếu bạn đến NZ & lái xe, hy vọng nét văn hóa giao thông New zealand này cũng thấm vào bạn.

Tôi cũng hy vọng (dù rất nhỏ nhoi) là người dân VN đọc được & học cái hay của người ta. Cuối cùng, tôi cũng mong là quý ông bà ngành giao thông VN cải cách mạnh mẻ, học hỏi cái hay của thiên hạ mà áp dụng cho người dân VN đỡ khổ

Spread the love

Leave a Comment

Scroll to Top
Scroll to Top