Mua xe tại New Zealand
Trước khi mua xe, bạn cần lưu ý, bằng lái xe của Việt Nam có thể được sử dụng tại New Zealand 12 tháng kể từ ngày bạn đặt chân lên đất nước này, bạn cần tìm hiểu kỹ luật giao thông, nắm rõ cách lái xe với tay lái “nghịch” và luôn tâm niệm một điều “AN TOÀN LÀ TRÊN HẾT”.
Bài viết được chia làm ba (3) phần. Phần mở đầu đề cập đến vấn đề tìm xe qua các kênh nào, ở đâu. Phần hai nêu rõ cách thức mua xe và theo sau là hình thức đăng ký bao gồm chuyển quyền sở hữu, đăng ký, kiểm định.
A Tìm xe:
Có nhiều nguồn thông tin để bạn tìm xe như bạn bè giới thiệu, đi xem xe tại bãi hay tìm online. Nguồn nào cũng có sự hạn chế cũng như ưu điểm riêng.
Sau khi tìm hiểu xong bạn cần phải xem kỹ xe trong tình trạng thực tế trước khi “tiền trao cháo múc”. Việc mua bán thông qua chuyển khoản đương nhiên là không an toàn tuyệt đối kể cả khi người kia là dân Đảo hay Kiwi.
Và nếu bạn không rành về xe, bạn nên có người quen (người biết nói tiếng Việt càng tốt) đi theo để tư vấn, kiểm tra xe, chạy thử xe và xem xét giá cả giúp bạn. Đương nhiên, người quen của bạn phải là người rành về máy móc và ở vùng bạn sống, người gốc Việt làm thợ máy không phải là hiếm.
Ban có thể vào trang web carjam để kiểm tra tình trạng xe như mấy đời chủ, số km, có lần nào rớt kiểm định hay tai nạn không. Mình ước ở VN mình cũng có thể làm được điều này.
Thêm một vấn đề nữa, bạn nên đảm bảo việc mình không mua phải một chiếc xe bị ăn cắp. Cách phổ biến nhất là cung cấp thông tin biển kiểm soát (biển số xe) tại trang web http://www.police.govt.nz/stolenwanted/stolen-vehicles?nondesktop. Bạn chỉ việc nhập biển số xe vào ô “Enter a registration number”, trả lời câu hỏi CAPTCHA rồi nhấn “Search” là có câu trả lời màu xanh lá cây bên dưới về tình trạng xe.
1) Bạn bè giới thiệu:
Nguồn này có vẻ đáng tin cậy nhất về chất lượng và pháp lý. Có thể bạn sẽ không phải lo lắng việc chiếc xe được bán có phải là một chiếc xe bị ăn cắp hay không nhưng về giá cả thì người mua sẽ rất khó chủ động mặc cả hoặc mức mặc cả sẽ không có chênh lệch cao để mang về cho người mua cái giá tốt nhất.
Nếu may mắn, bạn sẽ gặp được người quen muốn nửa bán nửa cho, biết đâu được!!! Tác giả đang dùng một chiếc Mazda Capella 1998 (chạy được 210 ngàn kms), chắc khoảng một năm nữa cũng sẽ nửa bán nửa cho thôi. Ở đây xe không mắc, nếu nhu cầu của bạn về an toàn và tiện nghi được nâng lên, đó là lúc bạn nên tìm cho mình một chiếc xe tốt hơn.
2) Tìm xe online:
Có hai nguồn phổ biến cho việc tìm xe online, các website mua bán xe và Facebook group.
a) Các website mua bán xe phổ biến có thể được kể đến như Trademe, 2cheapcar, … Trademe thì cũng giống như Facebook group, ở đó, người mua và người bán có thể đều là cá nhân, thuận mua vừa bán và rất hiếm khi đề cập đến bảo hành.
Việc giao – nhận xe cũng là thỏa thuận (deliver hay pick-up). Các doanh nghiệp cũng “mò” lên Trademe nhưng không phổ biến bằng cá nhân. Việc mặc cả là có thể với loại hình này.
Các doanh nghiệp mua bán xe cũng lập website riêng và ngoài ra, họ cũng có các dịch vụ kèm theo như giao xe tận nhà, tow (kéo) xe cũ đi, bán thêm các gói bảo hành, hỗ trợ người mua các vấn đề liên quan đến Wof (giống như đăng kiểm tại Việt Nam) và Rego (thuế đường). Việc mặc cả là không thể.
Nhìn chung là các giao dịch dạng cá nhân-cá nhân sẽ có giá xe thấp hơn so với doanh nghiệp-cá nhân nếu so cùng phân cấp và loại xe. Ngoài ra, giao dịch dạng cá nhân-cá nhân sẽ cho người mua phạm vi lựa chon phong phú hơn vì một số doanh nghiệp tự định hình phân khúc hoặc giá trị xe mà mình sẽ bán, người mua muốn phân khúc xe cao hơn, phải đi tìm doanh nghiệp khác. Bù lại, với giao dịch doanh nghiệp-cá nhân, người mua sẽ được hưởng nhiều dịch vụ cũng như sự an tâm về chất lượng của xe.
b) Với Facebook group, có rất nhiều group mua bán xe, nhưng tựu chung lại, phạm vi hoạt động của group nên được xem xét kỹ khi dùng group để tìm mua xe. Bạn không thể tìm mãi mới có chiếc xe vừa ý rồi mới phát hiện ra nó ở tận Wellington trong khi bạn thì đang ở Auckland. Nếu bạn đang ở Auckland, bạn có thể tìm đến một số group: “Buy/Sell/Trade in Auckland”, “Auckland – Buy/Sell/Trade”, “AUCKLAND DEALS”, “Rogue Auckland Buy/Sell”, “Buy Sell Anything Auckland”, “AUCKLAND DEAL$$$$$”, “BUY/SELL/TRADE (south auckland)” hay “Buy & Sell in Auckland”. Thông thường các group này là group kín và bạn chỉ có thể vào sau khi gửi lời đề nghị và được admin chấp nhận.
Xin lưu ý thêm lần nữa là bạn chỉ nên thực hiện việc thanh toán sau khi đã kiểm tra xe thực tế. Đồng thời, việc hẹn gặp trực tiếp trước khi thanh toán cũng cho bạn thời gian để lên mạng kiểm tra xem chiếc xe đó có phải là xe ăn cắp hay không.
3) Xem xe tại kho:
Có hai loại bãi trưng bán xe phổ biến tại Auckland, bãi của các công ty bán xe và car-fair. Đương nhiên, như đã lưu ý bên trên, bạn nên dắt theo người quen để hỗ trợ việc kiểm tra và mua xe.
a) Bãi của các công ty bán xe: các bạn có thể tìm chỉ dẫn đến các bãi này thông qua các website của doanh nghiệp như đã nói bên trên hoặc có thể tìm đến đường Great South Road đoạn gần Otahuhu theo hướng từ City về Otahuhu. Xe tại các bãi này có giá cao hơn loại trưng tại car-fair nhưng người mua sẽ được lựa chọn thêm các dịch vụ như đã nói bên trên. Đồng thời, bạn có thể yên tâm vấn đề pháp lý khi mua xe tại các bãi này. Việc mặc cả là không thể diễn ra, giá bán ghi sẵn trên kính trước kèm với một bản tóm tắt tình trạng xe. Thông tin cụ thể hơn thì có thể hỏi nhân viên bán hàng luôn túc trực.
b) Car-fair: tác giả chỉ biết đến car-fair khu vực Ellerslie (tìm trên Google Maps: “Ellerslie Racecourse, Main Gates, Green Lane East, Greenlane, Auckland 1051” hoặc vào website: www.carfair.co.nz). Car-fair này hoạt động vào Chủ nhật hàng tuần với bãi trưng bán hàng ngàn chiếc xe đủ mọi chủng loại. Bãi này được chia thành ba khu vực: trên 10k (những xe có giá bán trên 10’000 nzd), 5k đến 10k và dưới 5k. Bạn có thể vào bãi với tư cách người bán, đóng một khoản phí, nhận bảng kê thông tin xe rồi đưa xe mình vào đúng khu vực tương ứng với giá xe mình mong muốn, điền thông tin vào bản kê, gắn lên kính trước và chờ người mua. Với tư cách người xem và mua xe thì đơn giản hơn, khu vực đậu xe miễn phí khá rộng và gần bãi trưng bán xe, Chủ nhật nên cũng không hạn chế thời gian đậu xe. Việc mặc cả là rất phổ biến, khoản chênh lệch từ giá “niêm yết” đến giá cuối cùng để “rước nàng về dinh” có khi lên đến ngàn đô. Khoản chênh lệch vài trăm đô giữa giá được người bán dán lên kính và giá được gút sau cùng là rất phổ biển. Bởi vậy, khi đến đây để mua xe, bạn đừng ngại mặc cả. Đây cũng là lý do bạn phải có người quen hiểu biết về xe đi cùng. Việc người quen của bạn kiểm tra xe kỹ và tìm ra các lỗi của xe có thể giúp bạn down giá xe xuống hoặc bỏ ý định mua xe nếu lỗi đó là quá trầm trọng. Tại bãi trưng bán xe này cũng có một số cá nhân đến để cung cấp dịch vụ kiểm tra xe cho những người không có người quen như vậy đi cùng. Khoảng tháng 11/2016, tác giả có đến đây và lúc đó giá dịch vụ cho một lần đi cùng bạn để kiểm tra và đưa ra lời khuyên là 50 nzd.
Một cách được xem như an toàn và thông dụng trong giao dịch mua xe tại car-fair mà người mua hay áp dụng là yêu cầu người bán chạy xe theo về tận nhà mình để thanh toán tiền tại nhà. Cách này giúp cho bạn không phải mang theo tiền mặt quá nhiều vì tại car-fair chỉ có một cách thanh toán duy nhất là bằng tiền mặt.
Thêm một vấn đề nữa, đó là kiểm tra liệu xe bạn muốn mua tại car-fair có phải là xe bị ăn cắp hay không. Nếu bạn có 4G trên điện thoại, bạn cứ nhập biển số xe vào trang web nói trên mà kiểm. Nếu không có, việc người bán lập một bản “giấy tay” để xác nhận thông tin mua bán của hai bên là cần thiết. Nếu bạn xui, bạn giao tiền và nhận về một xe bị ăn cắp, tờ giấy này sẽ bảo vệ quyền lợi cho bạn hoặc ít ra cũng giảm bớt phiền phức cho bạn trong những “sự kiện” tiếp theo.
B) Mua xe:
Đầu tiên, phải khẳng định một điều, nếu bạn mua xe đã qua sử dụng, bạn chỉ nên mua xe có biển số. Thoạt đầu nghe khá vô lý nhưng ở New Zealand, biển số xe có hai loại, biển số xe thông thường (đi theo xe một cách mặc định) và biển số private hay personal plate là đi theo người. Tức là nếu người bán xe cho bạn đã đăng ký personal plate thì sẽ xảy ra trường hợp biển số ở lại với chủ cũ, xe ra đi mà không có biển số. Gặp trường hợp này, nếu bạn quá muốn mua chiếc xe đó, phương án là bạn dàn xếp với chủ cũ để họ nhượng lại biển số cho bạn hoặc yêu cầu họ đăng ký biển số thông thường cho xe trước khi bán cho bạn.
Tiếp theo tác giả sẽ chủ yếu nói về giá cả và ý kiến chủ quan của mình về việc chọn xe dựa vào giá cả. Rất nhiều thương hiệu xe có thể được tìm thấy trên đường phố Auckland, việc bạn quyết định mua xe của thương hiệu nào dựa vào sở thích cá nhân, kiến thức nền về xe và tầm tiền mà bạn có. Thông thường, với tầm tiền bình dân (loanh quanh từ 2 đến 5 ngàn nzd), xe cũ được nhắm đến thường là xe Nhật, minh chứng là bạn có thể thấy rất nhiều Nissan, Toyata, Mazda, Mitsubishi chạy trên đường. Với xe Nhật, độ bền thì miễn bàn, phụ tùng thì dễ kiếm và việc sửa chữa thì không khó nên các chi phí liên quan đều thấp, lại tiết kiệm xăng. Phụ tùng dễ kiếm một phần vì số lượng xe Nhật quá nhiều nên từ các hãng chuyên mua lại xe cũ để tách lấy phụ tùng bán riêng (ở đây gọi là các hãng xe chuyên “chặt thịt”), phụ tùng xe Nhật được bán ra rất nhiều và giá cả phải chăng hơn, thậm chí, họ bán cả một lốc máy còn tốt để thay cho một xe có vỏ còn mới mà lốc máy hỏng.
Tháng 9/2016, tác giả có mua online qua Facebook group một chiếc Mazda Capella 1998, chạy hết 189 ngàn kms (ODO 189k hay runs 189’000 kms) với giá có 900nzd mà vẫn còn bị cho là mắc. Chú thợ máy đi cùng còn muốn trả thêm xuống 800nzd. Sau khi mua về, chi phí sửa lặt vặt, mua tem WOF và thuế đường (Rego) hết 300nzd nữa là chạy ngon lành. Tác giả có người quen, cùng đi car-fair mua được chiếc Nissan Tiida 2010, chạy mới 65 ngàn kms, nội thất vẫn còn mùi nhựa mới với giá chỉ 8400nzd. Vậy mới thấy giá xe không hề cao như một số bạn vẫn lo lắng và cái nghịch lý giá xe giữa New Zealand và Việt Nam là rất ghê gớm. Tại Việt Nam, thời điểm này, tìm một chiếc Mazda 626 đời 98 như chiếc Capella (cùng một model nhưng khác tên vì khác thị trường) nói trên là không dễ và giá có thể trên dưới 200 triệu vnd (khoảng 12 ngàn nzd) tức là gấp hơn 13 lần.
Theo ý kiến chủ quan của tác giả, khi bạn quyết định mua xe, bạn nên tìm hiểu dạng xe (số tự động – automatic hay số sàn – manual), năm sản xuất của xe, số km mà xe đã chạy và sau đó là ngoại thất, nội thất. Xe số sàn thường có giá rẻ hơn xe số tự động một chút khi so sánh giữa hai xe có cùng các thông số và tình trạng. Năm sản xuất của xe nên là từ ngày 01/01/2000 trở về sau (lý do sẽ nói ở phần sau), số km đã chạy nên dưới 150 ngàn và đương nhiên là ngoại, nội thất đừng quá xập xệ. Nếu bạn có cùng sở thích với tác giả là các dòng xe Nhật thì có thể cân nhắc thương hiệu xe theo giá cả tương đối tăng dần như sau: Mitsubishi – Mazda – Nissan – Toyota. Với tầm tiền từ 2,500nzd đến 3,500nzd và một chút may mắn, bạn có thể tìm được một “em” Nissan 1.5lit đời 2002 đến 2004 chạy hết khoảng 120 ngàn đến 150 ngàn kms. Tất cả các thông tin nói trên áp dụng cho xe chạy xăng.
Tình trạng WOF và Rego của xe cũng ảnh hưởng đến giá bán nhưng không nhiều, hơn nữa, nếu bạn tìm được chiếc xe vừa ý, giá lại giảm vì không có WOF hay Rego thì bạn đừng ngần ngại vì số tiền để khắc phục chuyện này là không nhiều (chỉ vài chục hoặc đến một trăm nzd là cùng) và bạn có thể tự làm khá đơn giản như hướng dẫn dưới đây.
C) Đăng ký xe:
Việc làm giấy tờ nói chung và làm giấy tờ cho xe nói riêng là cực kỳ đơn giản và thoải mái ở New Zealand. Các công đoạn đăng ký xe sẽ được nói tới dưới đây đều có thể làm online hoặc tại PostShop hay có thể gọi nôm na là Bưu điện như ở Việt Nam. Tác giả sẽ chỉ nói đến cách ít dễ hơn là cách làm “offline” tại PostShop.
C1) Chuyển sở hữu:
Tất cả những gì bạn cần mang theo là Passport bản gốc và tiền. Để đăng ký chuyển sở hữu xe từ tên chủ cũ sang tên bạn, bạn cần tìm mẫu đơn (form) số MR13B có trên các giá gắn tường tại PostShop (bạn có thể hỏi bất kỳ ai tại đó nếu tìm không ra), xếp hàng, hỏi sự hướng dẫn của nhân viên bưu điện và đóng 9nzd là xong. Bạn có thể xem trước ảnh bên cho form MR13B.
C2) WOF:
Đầu tiên, bạn cần biết, xe không có WOF mà lưu thông thì khoản phạt khi bị police bắt gặp là 200nzd và nếu bạn gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bạn “ăn cho hết”.
WOF viết tắt cho Warrant of Fitness, bạn đi làm WOF cho xe cũng giống như đi đăng kiểm tại Việt Nam. Bạn có thể làm việc này trước hoặc sau khi đăng ký chuyển tên người sở hữu. WOF cũng cần được làm định kỳ, thông thường là 6 tháng hay 1 năm. Và lý do tác giả nhắc tới việc nên mua xe được sản xuất từ ngày 01/01/2000 trở đi là để bạn có thể làm WOF với kỳ hạn 1 năm luôn cho đỡ phiền. Đương nhiên, nếu bạn mua được xe mới với giá vài chục ngàn thì không có gì để lo lắng với kỳ hạn WOF lên tới 3 năm.
Thông thường chi phí cho WOF chỉ lên tới 50nzd là cùng nếu xe bạn không có vấn đề gì và bạn mang nó ra một hãng sửa xe bất kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn có người quen làm trong các hãng sửa xe (người mà bạn nhờ đi cùng để kiểm tra xe, đây là lúc phát huy tác dụng tiếp theo của mối quan hệ này), bạn có thể nhờ họ mang xe đi mua WOF tại hãng mà họ làm, chi phí sẽ thấp hơn (khoảng 20nzd). Nếu xe bạn có quá nhiều “lỗi lầm” và không thể “pass WOF”, hãng sẽ cho bạn một cái list các mục cần sửa với giá tương ứng, bạn sửa xong họ sẽ chứng nhận WOF cho bạn. WOF được chứng nhận bằng một cái tem be bé dán lên kính trước của xe ghi rõ thông tin hãng chứng nhận và tháng mà WOF hết hạn. Hãng cũng sẽ cập nhật thông tin WOF của xe bạn lên hệ thống và việc mua được Rego (hướng dẫn dưới đây) sẽ phụ thuộc vào thông tin đó.
C3) Mua Rego:
Cũng như WOF, nếu bạn cho xe lưu thông khi chưa mua Rego, khoản phạt 200nzd sẽ “treo lơ lửng” chờ bạn.
Mua Rego có thể được hiểu nôm na là mua thuế đường. Khoảng thuế này sẽ khác nhau theo kỳ hạn mà bạn mua, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm (mua kỳ hạn càng dài sẽ càng rẻ) và sẽ khác nhau giữa xe chạy xăng và xe chạy dầu. Nôm na là xe chạy dầu sẽ gánh khoản phí cao hơn vì có thêm phí khắc phục ô nhiễm do khí thải gây nên (xe bạn định mua là xe đã qua sử dụng mà). Giá cả thế nào, bạn có thể tham khảo online hoặc tìm với Google.
Kỳ hạn Rego sẽ tương ứng với kỳ hạn WOF. Nếu trong thời gian còn hạn Rego, bạn chứng minh được mình ngừng sử dụng xe tối thiểu 3 tháng (vì nhiều lý do: bạn rời khỏi địa phương hoặc xe bạn bị tai nạn và không thể sử dụng nữa, bán vào hãng “chặt thịt” chẳng hạn, hoặc bạn khai báo xe mình bị mất cắp với police), bạn sẽ được hoàn tiền tương ứng với khoản thời gian chưa sử dụng.
Bạn có thể mua Rego cũng tại PostShop, nhân viên tại đây sẽ hướng dẫn cho bạn nhiệt tình. Bạn sẽ điền form MR1B, form này cũng có thể dễ dàng tìm thấy tại PostShop như form MR13B nói trên. Thông thường việc mua Rego sẽ diễn ra cùng lúc với việc chuyển tên người sở hữu. Và để tiện được như vậy, bạn phải mua WOF trước khi làm 2 công tác nói trên. Mua tại PostShop, bạn sẽ có ngay tem chứng nhận. Tem này sẽ ghi rõ thời hạn của Rego mà bạn mua cùng với các thông tin cơ bản của xe. Bạn phải hiển thị (monitor) tem này trên kính trước của xe bạn khi lưu thông.
Bạn cũng có thể mua Rego online (với chi phí rẻ hơn so với tại PostShop) tại trang web https://transact.nzta.govt.nz/transactions/renewvehiclelicence/entry và bạn phải mua Rego với kỳ hạn trên 3 tháng, tuy nhiên, sau khi mua 2 tuần, tem mới được gửi đến nhà bạn.
C4) Mua bảo hiểm xe:
Tùy quan điểm mỗi người để quyết định có mua bảo hiểm cho xe hay không. Tuy nhiên, nếu bạn không mua bảo hiểm cho xe và bạn gây tai nạn, chi phí pháp lý liên quan và chi phí bồi thường khá cao, nhất là khi bạn không phải công dân New Zealand.
Phổ biến nhất và nhiều người dùng nhất có lẽ là bảo hiểm của AA, bạn có thể tìm hiểu online (link) và mua luôn, hoặc mua tại AA centre (tìm trên Google Maps). AA sẽ cung cấp cho bạn 3 tùy chọn với giá tăng dần và có thể được hiểu nôm na như sau: Third party (chỉ đền cho bên bị bạn tông nếu bạn gây tai nạn), Third party Fire & Theft (giống cái đầu tiên nhưng thêm vụ cháy xe và bị trộm) và Comprehensive (đền cho cả hai bên). Tác giả mua Third party của AA.
Sau khi có có xe rồi, bạn mặc sức đi chợ truyền thống, đi thăm hẻm núi Karangahake hay kiếm tiền bằng cách cho thuê chiếc xe của bạn (bằng Turo)
Hãy nhớ, giờ đây bạn đã ở New Zealand rồi, tuân thủ luật và văn hóa giao thông New Zealand nhé
Có thể bạn quan tâm
- Hướng dẫn thi bằng lái xe
- Mở tài khoản tại New Zealand khi bạn còn đang ở Việt Nam
- Làm thẻ xe buýt (AT Hop Card) ở Auckland