Hôm 19/4, luật nhập cư New Zealand có 1 số thay đổi. Bạn bè, các em học sinh inbox, gọi điện thoại hỏi thăm vì họ lo lắng cho tương lai của họ sau khi du học xong ở NZ. Tôi chỉ có thể an ủi và đưa ra 1 số lời khuyên của 1 người lớn tuổi hơn là 1 người từng trải ở NZ. Tôi cũng chỉ là một người khách ở NZ như các bạn, và cũng ở đây chưa lâu như những anh chị em khác. Có điều tôi va chạm nhiều nên cũng được mọi người tin tưởng mà hỏi ý kiến. Trao đổi với người em tứ hải giai huynh đệ đang học Whitireia; cộng với ảnh hưởng dư chấn từ hôm luật thay đổi, tôi có vài dòng viết vội hầu chia sẻ cho các bạn chuẩn bị đi du học nước ngoài.
Lên kế hoạch
Cuộc sống du học sinh sẽ cho bạn nhiều điều bổ ích từ học vấn cho đến trải nghiệm thực tế. Thời gian của bạn rất quý. Ngay từ khi chuẩn bị lên máy bay, hãy tìm hiểu và lên kế hoạch sao cho cuộc sống học đường của bạn tại xứ người mang lại nhiều hiệu quả nhất.
Tham gia hoạt động văn thể mỹ
Tìm hiểu về các hoạt động dành cho sinh viên của trường, của hội đồng thành phố xung quanh trường hay là nơi bạn cư ngụ. Thay đổi môi trường sống như vậy thì việc chuẩn bị trước luôn luôn có ý nghĩa. Hãy nắm bắt lấy mọi cơ hội. Ngày tôi đặt chân sang NZ, tôi tham gia các hoạt động của trường, dự các sự kiện không những của trường mà của các trường bạn: ngày hội việc làm chẳng hạn.
Kết bạn (tốt)
Xa nhà, nhớ vợ nhớ con mà không có người bạn nào ở đất khách cũng buồn. Tôi chơi thân với “thằng bạn học”. 3 đứa (+ vợ hắn) đi chơi chỗ này chỗ kia suốt. Rồi cùng đánh bóng bàn hay thậm chí động viên nhau con đường phía trước. Tôi cũng học được cậu em đó nhiều điều bổ ích vì em ấy đã ở NZ khá lâu. Đời chẳng mấy khi suông sẻ, có bạn giúp đỡ nhau khi tha hương đáng quý vô cùng. Tôi đi làm không đưa con đi khám răng được cũng nhờ chú em đó đưa đi.
Học hành & thi cử
Nhiều bạn được khuyên chỉ cần vượt qua kỳ thi thôi và cố gắng đi làm kiếm kinh nghiệm. Tôi khuyên các bạn khác, hãy lấy điểm tốt ngay từ đầu. Đó là lý do vì sao dù đã ở tuổi học trước quên sau, tôi vẫn cố gắng để luôn được điểm A để mong có thể cạnh tranh với người khác.
Bạn nộp đơn đi làm với cái bảng điểm làng nhàng? Ai sẽ nhận bạn vào làm việc khi kinh nghiệm của bạn ở xứ người là số 0 tròn trĩnh? Bạn cũng sẽ làm việc làng nhàng như cái bảng điểm bạn thôi. Kiếm cơm trong lúc học quan trọng, nhưng đạt số điểm cao sẽ cho bạn một tương lai tốt hơn. Đừng nghĩ rằng nhiều người thành công với bảng điểm làng nhàng thì bạn cũng sẽ như vậy.
Dù bạn có học tiếp hay không (sau đại học), thì bảng điểm tốt sẽ rất có ích cho bạn trong tương lai. Trường hợp xấu nhất phải về lại VN thì cái bảng điểm tốt nó cũng cho bạn nhiều cơ hội hơn. Tốt nhất là nỗ lực ngay từ đầu để thành công trong tương lai.
Khó khăn phía trước như dãy núi này; vượt qua được sẽ là một tương lai tươi sáng. Núi Cook, tác giá Geoffrey-Morrison
Nâng cấp chính bạn
Học ở nước ngoài, với hàng trăm sinh viên hoàn toàn khác biệt với học trung học hay giảng đường tại VN. Các bạn cần phải biết tự kỷ luật và sáng tạo trong việc học ngoài trường lớp. Ngoài học với giảng viên trong lớp, bạn có thể kết bạn và học với những người có cùng đam mê sở thích. Hãy mở 1 tài khoản meetup, linkedin để gặp và trao đổi với họ ngoài giờ sẽ cho bạn nhiều thông tin thú vị.
Như bài viết MOOC: hôm nay và ngày mai bạn nên trang bị thêm những kỹ năng, môn học còn thiếu khi ngồi ở giảng đường đại học. Bạn đăng ký ở Shawacademy để học miễn phí (hoặc có phí 1 phần)
Dưới đây là vài khóa học tiêu biểu, ngắn hạn (hầu như miễn phí) rất có ích cho bạn:
- Kỹ năng viết thư xin việc, cover letter, networking
- The Platform’s Biggest & Most Popular Photoshop Course
- Microsoft Excel – From Beginner to Expert in 6 Hours
Cho đi tức là nhận lại
Dấn thân vào các hoạt động “tinh nguyện”, làm không lương để tạo mối quan hệ, quen với cách vận hành của doanh nghiệp nước sở tại. Tôi sẽ viết riêng và sâu về đề tài này trong thời gian tới, sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể của 2 bạn sinh viên mà tôi đang hướng dẫn (1 TQ và 1 VN). Những việc như thế này rất được xem trọng ở nước ngoài. Sử dụng tiện ích của nước bạn học một cách miễn phí, thì “cho” lại cũng là 1 cách tốt phải không. Tôi tin vào nhân quả nên cố gắng chia sẻ những trải nghiệm như thế này; chắc chắn sẽ có bạn chia sẻ cho tôi cái khác ☺.
Học thêm 1 ngoại ngữ
Có nên cày thêm 1 ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt và tiếng Anh không? Tôi khuyên nên như vậy. Và bạn cũng nên chứng minh truyền thống hiếu học của VN như vậy. Làm sao ai gặp VN cũng có thể nói, dân VN thông minh, hiếu học, giỏi ngoại ngữ…Chọn 1 thứ tiếng có cộng đồng lớn nhất tại nơi bạn học, sinh sống để học. Hoặc có thể học tiếng TQ hay Tây Ban Nha. Tại Auckland, TQ và Ấn Độ là 2 cộng đồng lớn nhất; bạn có thể chọn tiếng TQ để học vì có cơ hội luyện tập. Biết thêm 1 ngoại ngữ tăng cơ hội hiểu biết và đặc biệt là cơ hội việc làm.
Thể dục thể thao
Cái phong trào 22 push-up mỗi ngày có vẻ lắng xuống vì cái gì phong trào cũng mau tàn. Nhưng ở nước ngoài, bạn có nhiều cơ hội để tập thể thao. Sân bóng rổ lộ thiên, công viên, bơi hay. Rủng rĩnh thì mua một cái hội viên ở 1 phòng gym nào đó. Tham gia các hoạt động xã hội do trường tổ chức như nhiếp ảnh, du lịch, đi trekking. Tôi biết các bạn VN ở Auckland hay chơi bóng đá chung, như vậy là rất tốt. Có điều kiện và thời gian thì cũng nên tham gia. Một trí tuệ minh mẫn trong 1 thân thể cường tráng đúng không hihi.