Khi viết 11 lý do bạn nên du học và định cư New Zealand, tôi chỉ chia sẻ cảm nhận cá nhân. Không ngờ, bài viết thu hút hơn 3500 lượt xem từ 31/7/2017.
Bài viết nêu ra 11 lý do mà tôi chọn NZ để cứu thân lại có số lượt xem cao nhất.
Bài viết chủ yếu nêu những mặt tốt đẹp mà tôi cảm nhận khi sống ở nơi này. Mặc dù dựa trên “thực tế khách quan”, “duy vật biện chứng”, tôi vẫn không tránh khỏi duy ý chí khi viết bài đó.
Nhiều bạn đã sang được NZ và nói rằng bài viết làm cho họ quyết định mạnh mẽ hơn trong việc lựa chọn quốc gia đến.
Tuy nhiên, New Zealand có rất nhiều mặt mà 1 người Đông Lào tôi thấy bất tiện. Trước là để các anh chị em không nói tôi phiến diện. Hai là để các bạn đi Can hay Úc bớt nếu vẫn chần chừ Can, Úc hay NZ.
1) New Zealand không có vòi xịt rửa “đít”
Chắc các bạn nhận ra cái này? Vâng, cái vòi vệ sinh, tiếng bình dân gọi là vòi rửa “đít”
Khắp hang cùng ngõ hẻm, từ khách sạn 5 sao đến nhà nghỉ theo giờ bình dân, tôi không tìm thấy cái vòi vệ sinh này.
Ai đã quen với cảm giác mát lạnh ở VN, ngày đầu tiên qua NZ bị hụt hẫng ngay. Tất nhiên là loại trừ các bạn chưa bao giờ dùng cái vòi xịt thần thánh ấy.
Tôi không hiểu vì sao bên này họ không dùng cái này. Hay họ sợ những tháng mùa đông lạnh quá, “hàng” sẽ bị đóng băng và rụn.
2) New Zealand rất buồn chán, không náo nhiệt, tự do
NZ thì cực kỳ buồn chán, không có náo nhiệt như VN. Ngay cả Auckland là thành phố lớn nhất nước, cũng cực kỳ buồn tẻ.
Nếu đã quen với tiếng còi xe inh ỏi cả ngày, hay tiếng loa phường lúc 5h sáng ở HN thì NZ yên ắng lắm.
Ngoài cái đường Queen Street ở Auckland (như kiểu Đồng Khởi ở Sài Gòn) hay Tràng Tiền (ở HN), phần còn lại rất nông thôn. Bạn cứ tưởng tượng Gà Vịt, Ngang Ngỗng, Chim chóc ở công viên đi lại hiên ngang, không giống nông thôn thì giống gì.
Hàng quán đến 5, 6 giờ tối là dẹp hết. Muốn mua cái gì thì phải đợi sang ngày hôm sau. Đi chơi về khuya, thèm một bát mỳ gõ, hủ tiếu gõ hay tô phở khuyến mãi “móng tay cái” thì không có. Chỉ có Burger King, McDonald. Mà mấy cái thứ này thì sao ấm bụng được.
Thèm một tô cháo hành lò gạch khi trái gió trở trời cũng không có. Lâu lâu thì các chị em người Việt mới nấu món bình dân & rao lên hội bán cho nhau. Ai ở xa Auckland chỉ có thể nhìn rõ dãi mà thôi.
Muốn uống bia thả dàn theo kiểu 100% dzô hay không say không về cũng không có chỗ. Phần thì bia quá mắc (đắt), phần mà lở xỉn người ta không bán nữa. Mà say thì lại không được lái xe về.
Nhiều lúc thèm thuốc lá muốn chết, đi mua 1 gói cho đỡ thèm. Nhìn mặt mình trẻ quá, họ không bán, lại phải chạy về lấy CMND. Tới lúc trả tiền thì hỡi ôi, 1 bao thuốc lá mất hơn 1g làm việc.
3) Mua sắm, shopping tệ kinh khủng
NZ theo nhà văn Tolkien là xứ “middle earth”, nằm tuốt ở Nam Cực, nên hàng nào mà nhập khẩu thì giá trên trời. Mấy bạn than thở rằng xăng ở VN mắc quá, so với NZ thì giá xăng VN chỉ là muỗi. Có điều thuế ở NZ được dùng đúng mục đích nên bà con cũng không thắc mắc nhiều.
Vì là 1 đất nước nhỏ, không có lợi thế về quy mô, nên hàng hóa NZ có giá thành cao hơn Úc hay nước khác. Cũng vì nhỏ, nên các thương hiệu lớn dạng bình dân cũng mới vào NZ (Zara chẳng hạn).
Xứ này chuộng màu đen hay sao í, ra đường toàn đen & xám xịt. Nhìn phát chán.
Mua quần áo ở đây thì đa phần phải cắt gấu (lên lai), sửa lại cho vừa tạng người VN. Nhiều khi cái quần mua có 40$, cắt cái ống hết 20$. Bạn nghĩ có tiếc không?
Shopping ở NZ không “đã” bằng Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Úc hay Mỹ. Cùng 1 loại sản phẩm thì giá của NZ luôn cao hơn. Bạn muốn ban ngày đi chơi, ban đêm đi shopping như Singapore, Thái Lan? Bạn hãy quên ý tưởng đó đi. 7 giờ đóng cửa, vắng như chùa bà đanh.
Vào 1 cửa hàng mua, nhân viên đi ngang hỏi “Are you OK?, can i help you, bạn trả lời OK là họ đi thẳng. Chẳng bao giờ đứng lại trò chuyện, hay tò tò đi theo phục vụ như ở VN.
Một điểm mình thấy cực kỳ bất tiện là cửa hàng, siêu thị, nhà sách không có chỗ “giữ đồ” hay niêm phong túi của khách. Khách được mang túi vào trong, muốn bỏ gì vào túi cũng được. Điểm bất tiện này khi mình kể ra, mình rất sợ các bạn người Việt bên Nhật Bản lại qua NZ.
4) Dịch vụ NZ nhiều lúc chán bỏ xừ!
Trước ở VN, đi làm về có cơm ăn sẵn, chẳng bao giờ động tay động chân. Dịch vụ gì cũng có sẵn. Ngồi chơi cũng có người gọi điện tư vấn nhà đất, đầu tư, mua bảo hiểm vân vân và mây mây.
Sang NZ, cái gì cũng tự làm hết. Phần vì hư là muốn sửa liền mà gọi điện thoại kêu thợ thì bảo là đặt hẹn chưa, không có rãnh để đến, sau giờ làm việc không đến. Dịch vụ chán thế đấy, họ chỉ làm ban ngày. Mà ban ngày thì mình đi làm, phải xin nghỉ ở nhà để chờ thợ đến. Nhiều khi đợi thợ không được hoặc là muốn tiết kiệm vài đồng, phải mò mẫm làm. NZ không có thích hợp với các bạn chỉ tay 5 ngón như ở VN đâu. VN sướng hơn.
Thử vào ngân hàng mà xem. Muốn mở cái tài khoản, cũng phải đặt hẹn trước, rồi ngồi nói chuyện cả buổi. Ở VN, vào lấy số xong, ra quầy em teller nào cũng làm được việc này. Ở đây phải đợi đúng người, chẳng multi tasking gì cả.
Việt Nam mình tư nhân làm cái gì cũng nhanh, chính phủ thì ngược lại. Còn NZ thì thì cái gì dính đến chính phủ đều nhanh, trừ tư nhân. VN mình công ty nào cũng xác định làm việc với khách hàng trong vòng 24h, ở đây thì 24h cũng chẳng thấy tăm hơi đâu. Phải gọi chửi mới được
5) Nhà cửa đắt đỏ, diện tích chật hẹp
Nhà cửa (mua & thuê) đều đoạn trường với dân nhập cư nói chung và VN nói riêng. Bạn xem thêm bài Thủ thuật giúp bạn tìm được chỗ ở như ý, Chi phí du học new zealand 2018, để biết chi tiết.
Giá thuê nhà rất mắc nếu ở trung tâm TP. 1 Căn hộ 2 phòng ngủ 36m2 giá $450/1 tuần. Nếu bạn muốn mua căn hộ như thế này, bạn phải trả khoảng $400,000 và phải đóng 1 loạt phí hàng năm.
Muốn thuê nhà phải qua môi giới, nhắn tin nhiều khi không thèm trả lới. NZ là thị trường của người cho thuê, muốn thuê cũng nhiêu khê. Nào là sao kê ngân hàng, nào là có trẻ em không, rồi phải có thư giới thiệu. Không giống VN, mình đi thuê nhà, mình là vua. Hư 1 cái mình gọi thẳng chủ nhà đến sửa. NZ thì còn khuya, hư bạn tự sửa nó còn rẻ hơn kêu chủ nhà. Mà làm gì biết chủ nhà là ai, mọi thứ qua môi giới hết. Bạn thấy chán không?
Mua một căn nhà có 1 miếng vườn thì tính bằng triệu đô, mà đó là nhà cũ, xa xa trung tâm đó. Trước người bán hàng còn chảnh, chứ bây giờ cấm người nước ngoài mua, chắc bớt rồi. Mua cái nhà cái đất mà chẳng có tờ giấy lộn gì. Chẳng có công chứng, lăn tay gì cả. Người mua làm việc với luật sư (tốn chừng $1400), đưa cái passport. Tự nhiên tốn tiền luật sư làm gì nhỉ? Vài ngày sau nhận được cái email chủ quyền nhà. Trời ơi, không có cái sổ hồng, chủ quyền nhà là 1 cái email.
Về vấn đề nhà cửa đất đai, mình không biết là đảng Lao Động lâu lâu họ hứng chí, họ quy hoạch cái nhà mình rồi tái định cư chỗ khác. Buồn buồn, họ xông vào kiểm tra hộ khẩu mình thì bỏ bố luôn, vì mình quên khai tạm trú.
6) Chăm sóc y tế
Khám chữa bệnh
Bệnh do thời tiết thay đổi, đi khám bác sỹ. Tìm bác sỹ nào đó gần khu vực đang sống, sau giờ làm việc chạy ra khám. Đóng cửa. Gọi số điện thoại bảo “anh đẹp trai ơi, anh cần phải đặt lịch hẹn trước, mà chỉ làm từ 8h đến 5h chiều thôi” Có khi lịch kính hết, đến khi hẹn được thì hết cảm luôn. Nhờ vậy mà nhiều người đở tốn tiền lắm.
Lần đi thăm cô em nở nhụy khai hoa, cái bệnh viện gì mà nó vắng rợn người. Y tá còn nhiều hơn bệnh nhân với người nhà cộng lai. Lúc đó mình nhớ đến cảnh đông đúc 1 giường 2 người, khuyến mãi thêm 2 người ở gầm giường hoặc hành lang nữa. Ai mà sợ ma, không nằm bệnh viện nz được vì vắng quá
Một lần tôi vào viện lớn nhất Auckland, đau quá đến nổi quên đưa ID, trong túi không có một cắc, tưởng là phải kêu vợ chạy về lấy tiền phong bì rồi. May quá người ta cho vô cấp cứu, phát cho viên Panadol giảm đau, 1 viên giảm đau dạng nhét lỗ nhị, đưa đi chụp hình. Thuốc giảm đau phát huy tác dụng, hết đau, họ cho xuất viện, rồi kêu đi gặp bác sỹ chuyên khoa. Về nhà nhận được cái hóa đơn $2000, bằng cái chi phí mình lấy viên sỏi ở Việt Pháp.
Kinh nghiệm nằm viện mách bảo mình rằng y tế NZ không có bằng ở VN về khoản điều trị vì không có nhiều bệnh nhân để thực hành. Nếu ai có bảo hiểm NZ thì xài, không thì nên về VN chữa trị.
Thuốc thang
Em dược sỹ xinh đẹp ơi, bán cho anh cái thuốc này, anh bị bệnh tim vì nhớ em.
Ơ, anh có toa thuốc bác sỹ không?
Toa gì, lần trước khám rồi, vẫn bệnh đấy, bán cho anh đi
Anh mơ đi nhé, Next please!
Tiệm thuốc VN không bao giờ như vậy. Ai mua thuốc cũng được, mua thuốc gì cũng được. NZ chán quá.
7) Giáo dục phổ thông có thật sự tiên tiến?
Mầm non & tiểu học
Trẻ em NZ không được rèn luyện tính kỷ luật, luyện thể chất. Trò muốn làm gì làm, thầy không có la mắng. Con muốn ăn thì ăn, không ăn thì nhịn đói. Đây là 1 kiểu giáo dục hết sức sai đường lối. Con không ăn, thì thầy cô phải nhét thức ăn cho chúng ăn. Đứa nào cứng đầu nhè ra thì phải tát vào mặt nó, để nó mở miệng ra. Phải giáo dục, uốn nắn từ nhỏ. Bây giờ không dùng nhục hình, sau này chúng ra đời, chúng không có quen, dễ thất bại lắm
Tiểu học toàn chơi là chơi. Có 2 môn học chính khóa là toán và tiếng Anh. Lớp 7 lớp 8 rồi mà toán dễ hơn toán lớp 3 ở VN. Lý ra, trường phải dạy chúng nó yêu bác Jacinda Ardern (thủ tướng nz) thì lại dạy chúng nó chế độ dân chủ là gì.
Chính vì dạy bọn chúng dân chủ như vậy, nhiều khi mấy đứa trẻ về nhà nó “mất dạy” luôn. Vừa định lôi nó ra lấy nước lau bảng cho nó uống thì nó bảo “ba bạo hành, con gọi cảnh sát đó”. Đem chúng qua NZ để mong chúng nên người, mà bây giờ chúng đòi kêu police bắt mình. Nhục không thể tả!
6-7 tuổi mà không đọc thông viết thạo vì không được dạy từ mẫu giáo. Cũng may, con tôi đã học chữ sớm từ VN, không là mù chữ rồi.
Cách vài tuần, thầy cô trốn việc bằng cách đưa tụi nhỏ đi chơi bảo tàng, đi bơi, đi gặp hội doanh nghiệp…Thầy cô ở đây tương đối lười, rất nhác việc. Họ hay kêu phụ huynh đi theo, tiếng là phối hợp “nhà trường và gia đình”, thực chất đó là làm biếng.
Trung học
Lên trung học, thay vì đào tạo 1 con người toàn diện trên thông thiên văn dưới tường địa lý, họ kêu hs giỏi gì thì học nấy đi. Chứng tỏ họ làm biếng dạy học rồi còn gì. Người bản xứ gọi là định hướng nghề nghiệp, mình thì cho rằng đó sai lầm. Chúng phải học và làm cái nghề ba mẹ chúng muốn, chứ con nít biết gì mà quyết định.
Bọn NZ giãy chết thực là thâm độc. Năm 2017 nó kêu con mình muốn đi TQ không, năm 2018 thì lại kêu thôi con đi VN chơi đi. Đi giao lưu với học sinh các nước để học cái hay của văn minh lúa nước. Mình nghĩ họ không tốt đẹp gì, chỉ là cách kiếm chác, cải thiện đời sống thôi.
Bạn không tin ư, giáo viên NZ vừa biểu tình rầm rộ khắp cả nước. Ai đời giáo viên không vì trách nhiệm xã hội, dạy học cao cả mà lại đi biểu tình đòi quyền lợi cá nhân. Cái gọi là biểu tình đòi tăng lương này đã làm dư luận bức xúc. Bao gia đình gặp khó khăn hôm 15/8/2018 vì phải ở nhà chăm con, mất thu nhập.
8) Kinh nghiệm New Zealand là cái tôi ghét nhất
Người nhập cư lúc nào cũng bị hỏi về kinh nghiệm làm việc New Zealand. Cũng chính vì chữ này mà tôi lập cái group phê tê bốc Kinh Nghiệm New Zealand.
Lúc nào họ cũng yêu cầu kinh nghiệm NZ cả. Các công ty NZ thì thường là nhỏ xíu, vài ba nhân viên lèo tèo. Các công ty lớn cũng có, nhưng nó ít lắm, không nhiều tập đoàn như các tập đoàn Vinashin, Vinalines hay PetroVN…
Nhiều bạn, kể cả tôi có rất nhiều năm làm các tập đoàn Anh, Pháp, Mỹ ở VN hay nước khác. Nhưng đến NZ là họ nói phải có kinh nghiệm nz mới được. Làm lâu với kiwi, tôi hiểu kinh nghiệm họ đòi là gì rồi. Là kinh nghiệm làm biếng á. Ai hiểu khác cũng được, mỗi người hiểu khác nhau.
Chính vì vậy tôi đúc kết, nếu làm ăn hay xài dịch vụ gì của NZ, cái nào tránh kiwi được thì tránh. Xài dịch vụ châu Á, trên cả tuyệt vời.
Số lượng người nhập cư có công việc tốt ở đây không đồng nghĩa với việc tất cả người nhập cư đều có việc tốt. Nhiều bạn ở NZ một thời gian chịu không nổi phải đi Canada hoặc hồi cố quốc.
9) Kỳ thị chủng tộc
Auckland chỉ sau Toronto về đa dạng chủng tộc. Mặc dù phần lớn người NZ thân thiện nhưng cũng không hiếm người ghét da vàng, da đen.
Bạn là ai ở VN không quan trọng, bạn chỉ là dân nhập cư ở NZ mà thôi. Nếu bạn bỏ qua những cái nhìn kỳ thị (nhìn khinh bỉ chẳng hạn, bạn có bực cũng đâu làm được gì) thì không sao. Còn cảm thấy ấm ức, chạm nọc con rồng cháu tiên thì không nên đến đây.
Người VN ở NZ cũng chưa có điều tiếng gì nhiều như qua Thái hay Nhật, nên cũng dễ thở. Học trò VN thì được thầy cô yêu quý lắm vì nói gì nghe nấy, chăm ngoan.
Bạn có muốn đổi tên tiếng Việt sang tiếng Anh không? Đây là 1 vấn đề kinh nghiệm nz, tôi không biết nên xếp nó ở mục Kỳ thị chủng tộc hay mục kinh nghiệm nữa. Thay vì kêu Mr Hà thì kêu là Mr Henry; Ms Ha thì đổi thành Ms Hanna. Tên của bạn sound (giống) châu Á 1 chút là khó tìm việc đó.
10) Luật nhập cư hay liên quan đến du học sinh thay đổi liên tục
Đây là điều khó chịu và khó lường nhất đối với dân nhập cư. Nay thế này, mai thế khác, không biết đường mà lần. Tất nhiên là họ cũng có lộ trình để người nhập cư chuẩn bị. Vấn đề là 1 khi bạn đã bỏ VN, đi cả nhà quyết định làm 1 ván bài cào mà luật thay đổi thì hự hự.
Không Biết Canada hay Úc có thay đổi như NZ không, nếu không đổi thường xuyên, bạn qua đó đi. Đỡ nhức đầu và đau tim
11) Nắng NZ rất độc hại
Khí hậu NZ thì không đến nổi khắc nghiệt. Không khí trong lành, tươi mát. Tuy nhiên NZ có cái lỗ thủng Ozone to đùng trên đầu nên nắng bên này độc hại hơn văn hóa phẩm đồi trụy nữa.
Mùa hè, bọn con nít đi học bắt buộc phải đội nón nếu muốn được ra sân chơi. Không nón không chơi. Ai thích hoạt động ngoài trời nhiều lại không thích điều này.
Nếu ở NZ thì phải luôn nhớ câu này
Làm trai cho đáng nên trai / Đi đâu cũng có cái chai bên mình (chai kem chống nắng)
Nhớ chú ý mua kem chống nắng phù hợp và tránh xa các nhãn ghi chỉ số SPF không trung thực.
12) Không tham nhũng có gì mà hay!
Không tham nhũng có gì mà hay mà ai cũng ca ngợi. Tôi thấy nó chán phèo, bất tiện cho người nhiều nhiều đô la như tôi.
Sang năm con gái lên lớp 9, bảo muốn học trường A bờ cờ. Nhà tôi thì không ở trong tuyến đó, nên muốn xin cho con vô học vì nghe đâu là trường thực nghiệm công nghệ cao. Định bỏ bì thư vài trăm để con mình được vô, mà họ bảo không nhận
Vô viện, nói nhỏ vào tai vợ “đưa cho cô y tá kia 50” vì mình sợ bị tiêm đau. Vợ bảo, y tá không nhận và bảo là nghĩa vụ của ẻm.
Ở VN, nhiều người thường cho “bồ câu” ăn “bánh mỳ”. New Zealand chỉ có cho bồ câu ở công viên ăn bánh mỳ thôi. Có cô em Annie xin đẹp mê giai, gặp anh “bồ câu” 6 múi, định đưa chút quà gọi là cà phê. Mém nữa ăn giấy phạt vì tội cho bánh mỳ sai quy định.
Ra trường đi làm, muốn quà cáp lãnh đạo chút để kiếm cái chân ở bộ phân cục. Cái này gọi là tình là nghĩa, vậy mà họ chẳng nhận ân tình gì. Bắt phải có bằng cấp, có kinh nghiệm, có người giới thiệu. Rõ là đạo đức giả.
Bài viết này không phù hợp cho những người không biết đùa.
Nếu bạn vẫn muốn đi New Zealand sau khi đọc bài này thì bạn có thể lên kế hoạch du lịch và xuất khẩu lao động New Zealand
Bài được cập nhật ngày 13/12/18
Cảm ơn anh.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
cám ơn bạn đã đọc
rất hay và vui nhộn. em hiện là agent của các chương trình định cư tại NZ, vô cùng cám ơn vì nhưng điều tuyệt vời anh đã chia sẻ.