Tình hình du học sinh New Zealand
Tháng 1/2017, Bộ Giáo Dục công bố thống kê về tình trạng du học sinh new zealand sau tốt nghiệp. Khoảng 51% du học sinh new zealand vẫn ở lại làm việc trong suốt 5 năm; trong đó, chỉ có 39% còn trụ lại sau tám năm. Tỷ lệ việc làm trong năm đầu tiên của du học sinh new zealand sau khi tốt nghiệp là 63% cho Graduate certificate/diploma và 45% ở cấp tiến sĩ.
Lần đầu tiên, báo cáo, “Moving Places: Destinations and earnings of international graduates”, cung cấp thông tin toàn diện về quá trình SVQT thực hiện sau khi hoàn thành chương trình học của họ ở New Zealand. Tôi tóm tắt các ý chính của báo cáo trong bà viết này. Bạn có thể download toàn văn bản báo cáo..
Thu nhập sau tốt nghiệp của du học sinh new zealand
Điểm mấu chốt nhất trong báo cáo này là nơi nào tuyển dụng sinh viên; mức lương họ kiếm được tùy thuộc vào nhiều yết tố khác nhau. Tương tự sinh viên nội địa, mức lương phụ thuộc vào cấp độ học và lĩnh vực nghiên cứu. SVQT theo học các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học (STEM) thường kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với các bạn có bằng PhD (tiến sỹ) vì 1h dạy học tại trường PTE, Polytechnique cũng từ 35$/h trở lên (vậy mà vài bạn tôi biết có PhD của trường Axx tham gia giảng dạy ở các trường tư với mức lương bèo bọt 20$/h, tiếc thật!)
Theo báo cáo, hơn một nửa SVQT hoàn thành chứng chỉ ở NZ và nhận ra giá trị của tấm bằng nên quyết ở lại học lên cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng các bạn trẻ chọn học lên cao theo thời gian cũng có thể xuất phát từ việc không tìm được việc làm phù hợp để có thể xin resident visa và cần phải gia hạn visa để học cao hơn nhằm tìm kiếm cơ hội
Như các bạn đã biết, giáo dục quốc tế là ngành xuất khẩu lớn thứ năm của New Zealand, ước đạt NZ 2,85 tỷ NZD doanh thu trong năm 2014. Tại thời điểm 6/2015, doanh thu xuất khẩu giáo dục đạt 3 tỷ NZD, chiếm 5.3% lượng xuất khẩu và là 5 ngành xuất khẩu mũi nhọn của NZ (thống kê ở đây). Doanh thu gồm học phí, chi phí sinh hoạt, và giá trị của việc làm được tạo ra. Báo cáo cho biết khoảng 14.500 công việc có liên quan trực tiếp đến giáo dục quốc tế và khoảng 15.700 công việc có liên quan gián tiếp (công việc hỗ trợ )
Chúng ta dễ nhận thấy rằng chính những SVQT mang lại sự đa dạng văn hóa cho New Zealand và họ là những người liên kết, làm cầu nối giữa New Zealand và các nước khác về phương diện kinh doanh hay học thuật. Và mối liên hệ này dẫn đến hệ thống giáo dục đại học của New Zealand vẫn cạnh tranh quốc tế và sẽ có lợi cho cả sinh viên trong nước và quốc tế trong tương lai.
Dự luật việc làm tháng 11 năm 2013 đã khuyến khích nhiều SVQT đến NZ hơn. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây (19/4/17) trong luật nhập cư có thể sẽ hạn chế số lượng trong thời gian tới. Tôi cho rằng, việc nâng cao chất lượng thay vì chạy theo số lượng sẽ làm cho SVQT đi học chăm hơn, đạt điểm cao hơn.
SVQT trẻ (báo cáo này không đề cập đến SVQT già như tôi) có bằng cử nhân (bachelor) sau khi hoàn thành khóa học và ở lại NZ có mức lương thấp hơn SV nội địa, trừ các bạn học điều dưỡng (y tá) hay bác sỹ. Tôi không có số liệu của người Việt mình nên không dám kết luận, tuy nhiên tôi sẽ không ngạc nhiên nếu lương của người Việt mình thấp hơn dân bản địa vì thân phận nhập cư của mình. Ngoài ra, tôi cũng tin rằng không nhất thiết phải chỉ bằng bachelor mà ngay cả các bằng cấp khác thì người nhập cư cũng có lương thấp hơn người bản địa trừ 1 số ngành như đã đề cập ở trên (hoặc phần bên dưới).
Tuy nhiên, 1 điểm rất sáng cho SVQT và thậm chí cả người Việt mình nên để ý là thu nhập của các bạn theo học các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và không nhất thiết phải có PhD có xu hướng cao hơn dân bản địa với những ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ và sức khỏe.
Dù chưa biết lý do chính của sự chênh lệch về thu nhập của SVQT và nội địa, một số lý do “cỏn con” như số lượng giờ làm, loại công việc dù có bằng cấp y nhau, và khả năng tiếng Anh. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng người có tiếng Anh như ngoại ngữ làm sao mà so bì với người có tiếng anh như ngôn ngữ thứ 2, lại càng không thể so sánh với tiếng mẹ đẻ. Theo tôi, để tránh cạnh tranh đối đầu với người bản địa và mấy bạn SVQT khác, các job không cần phải tiếng Anh ở mức thượng thừa phù hợp với dân VN là kế toán, kỹ sư (cầu đường, xây dựng), tính phí bảo hiểm…Hãy phát huy truyền thống học toán siêu việt của dân VN đi.
Tình hình cho sinh viên sau đại học (level 8, 9, 10)
Đối với chương trình sau đại học, phần lớn SVQT học về quản lý, thương mại, xã hội học, công nghệ kỹ thuật và các ngành khoa học tự nhiên và vật lý. Tám (8) năm sau khi hoàn thành khóa học ở New Zealand, 60% trở về/hoặc ra khỏi NZ. Tỷ lệ đặc biệt cao cho các ngành khoa học tự nhiên, vật lý và văn hóa xã hội lần lượt là 73 và 74%. Tỷ lệ này cho thấy SV với bằng cấp cao như PhD có rất nhiều cơ hội ở các nước khác. Điều này cũng nói lên rằng chất lượng giáo dục sau đại học, nghiên cứu của NZ ở một đẳng cấp rất khác so với thế giới.
Trong số những người hoàn thành chương trình sau đại học và sau đó làm việc tại New Zealand, những người nghiên cứu công nghệ thông tin, kỹ thuật và công nghệ liên quan đến sức khỏe và có thu nhập trung bình cao nhất (Ghi chú: thực ra họ nói về median earnings: là thu nhập ở mức giữa, hơn là trung bình cộng).
Hiện nay, phong trào đi học sau đại học của người VN để có thể mang cả gia đình sang NZ để con cái được học miễn phí như nấm gặp mưa. Bản thân tôi cũng lò dò qua NZ bằng con đường đó. Bạn có thể ước tính chi phí du học New Zealand để có cái nhìn tổng quan hơn.
Có một sự thật đau lòng là thu nhập trung bình cho sinh viên tốt nghiệp các ngành nghệ thuật sáng tạo, xã hội và văn hóa, và đáng ngạc nhiên, quản lý và thương mại có mức lương thấp nhất. Các công việc cụ thể của ngành này liên quan ngân hàng, tài chính và bán hàng và tiếp thị. Tuy nhiên, báo cáo này chỉ thống kê các bạn trẻ, không nói gì đến những sinh viên già, có hàng chục năm kinh nghiệm, nên các bạn già của tui cũng đừng lo lắng quá mà nóng trong người, NZ không có trà thảo dược đâu!
Báo cáo cũng còn nói đến vấn đề trợ cấp học phí (cho dân PhD) không phải là đối tượng phổ thông của các bài viết của tôi, nên tôi không tóm tắt.