Ai nhận diện hình ảnh không phải là cái gì đó mới mẻ mà nó có từ các phim khoa học giả tưởng từ rất lâu rồi. Hai Lúa nhớ như in bộ phim Minority Report do anh Tôm Cruise thủ vai. Trong phim, họ xài camera nhận diện từng người đi đường, ghê thiệt! Và nội dung đó được chính phủ Trung Quốc thực hiện để giám sát xã hội của họ ngày nay.
Nghĩ đến đó, Lúa ra ban công, ngửa mặt lên trời xem có thấy cái vệ tinh nào của anh Elon Musk bay qua nhà mình không rồi tự hỏi sao Hollywood lại tưởng tượng ra được cái AI nhận diện hình ảnh như vậy. Lúa cảm thấy khoái chí với chủ đề này vì nghe có vẻ “độc chiêu”, đặc biệt là liên quan đến nhận diện hình ảnh.
Vừa học xong, định đóng máy lại thì, Tám từ đâu xuất hiện, ngồi xuống và tò mò hỏi: “Hôm nay học cái gì mà thấy mặt mày hớn hở vậy, Hai Lúa?”
Hai Lúa cười khoái chí: “Bữa nay học về AI Nhận Diện Hình Ảnh đó, Tám! Giờ máy tính có thể nhìn thấy giống như người rồi, hay không?”
Bài 6: AI Nhận Diện Hình Ảnh
AI Nhận Diện Hình Ảnh là gì?
Hai Lúa bắt đầu giải thích: “Cái AI nhận diện hình ảnh là nó biết phân tích, nhìn vô hình ảnh rồi phân loại ra là ai với cái gì đó. Ví dụ như nó thấy hình của mình thì biết mình là Hai Lúa, thấy chú chó thì biết là con chó, ghê không?”
Tám gật gù: “Vậy nó giống cái phim Iron Man đó hả, ông Tony Stark có cái kính hiện hết thông tin luôn ấy!”
Hai Lúa gật đầu: “Đúng rồi, y chang. Nhưng cái hay là nó không cần đeo kính hay gì đâu, chỉ cần có hình là nó nhận diện được rồi.”
Cách Hoạt Động Cơ Bản của AI Nhận Diện Hình Ảnh
Hai Lúa tiếp tục: “Nói đơn giản thì máy tính nó chia hình ảnh thành từng điểm nhỏ, giống như mình ráp tranh vậy. Nó học từ hàng triệu bức hình để hiểu đường nét, hình dáng, màu sắc của đối tượng. Mỗi lần gặp lại mấy đặc điểm này là nó biết ngay đó là ai hoặc cái gì.”
Tám hào hứng: “Giống như mình đi coi hình một lần, rồi lần sau gặp lại là nhớ mặt người ta, đúng không?”. Lúa nói thêm “đúng đó, người ta làm mấy cái ứng dụng chụp hình bữa ăn, nó tính ra số ca lo, chụp hình cái cây, nó nói được tên cây là gì”
AI nhận diện hình ảnh được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là phân tích hình ảnh và đưa ra kết quả. AI không hiểu ý nghĩa sâu sắc của hình ảnh, chỉ dựa vào các đặc trưng hình học, màu sắc để phân loại. Hiệu quả của AI phụ thuộc vào lượng dữ liệu huấn luyện và chất lượng của thuật toán. Chính vì vậy AI nhận diện hình ảnh được phân loại là 1 AI yếu (weak AI, hay narrow AI)
Ứng Dụng trong Đời Thực
Hai Lúa tiếp tục liệt kê: “Cái này giờ xài nhiều lắm nè:
- Ở sân bay, AI nhận diện khuôn mặt để kiểm tra người ra vào.
- Trong y tế, người ta dùng AI để phân tích X-quang, MRI, giúp phát hiện bệnh sớm.
- Rồi còn có mấy cái app chụp hình cái là tìm ngay được sản phẩm để mua.”
Tám trầm trồ: “Thiệt tình, giờ chỉ cần cái điện thoại thôi là tìm được đồ mình thích ngay!”. “Ừ, giờ ở New Zealand, đi chợ lấy cái điện thoại chụp hình sản phẩm, nó ra giá từng món, ở từng chợ luôn.” Lúa thêm vào.
Ví Dụ từ Phim Hollywood
Để tăng phần sinh động, Hai Lúa kể tiếp: “Hồi xưa xem mấy phim như Iron Man, thấy Tony Stark có hệ thống nhận diện khuôn mặt, tui cứ tưởng là hư cấu. À, trong Fast & Furious có cái ‘God’s Eye’ nhìn được ai ở đâu luôn, còn nhận diện nhanh hơn cả người.”
Tám cười: “Thiệt, cái gì trong phim giờ cũng có ngoài đời hết ha!”
Những Thách Thức của AI Nhận Diện Hình Ảnh
Rồi Hai Lúa trở nên nghiêm túc: “Nhưng mà, cái này cũng có nhiều thách thức đó nha:
- Quyền riêng tư: Cứ chụp ảnh người ta mà không xin phép là không ổn, vì ảnh hưởng đến quyền riêng tư của họ.
- Độ chính xác: Nếu nhận diện sai, như nhận diện nhầm người trong mấy vụ an ninh, thì hậu quả lớn lắm.”
Tám gật đầu, “Ừ, mình phải dùng công nghệ mà vẫn tôn trọng con người chứ.”
Kết Luận
Hai Lúa nhấp một ngụm cà phê rồi kết luận: “Thú thiệt, cái công nghệ nhận diện hình ảnh này hữu ích lắm, giờ có mặt ở nhiều nơi trong đời sống. Nhưng mình cũng cần nhớ là xài nó sao cho hợp lý, tránh lạm dụng nó quá.”
Tám vỗ vai Hai Lúa: “Học vui thiệt! Nhờ ông kể tui mới hiểu ra, lần sau lại chờ ông kể tiếp nha.”
Hai Lúa cười tươi, hứa hẹn tiếp tục chia sẻ những bài học thú vị về AI, vừa học vừa gắn kết cuộc sống hàng ngày của mình. Bài tiếp theo là AI nhận xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP.
Khám phá AI tại Việt Nam!
Tìm hiểu cách trí tuệ nhân tạo đang phát triển và ứng dụng tại Việt Nam. Xem thêm ngay!
Tài liệu tham khảo
- What is Image Recognition? (Nhận diện hình ảnh là gì?) – IBM
- Image Recognition: How it Works (Nhận diện hình ảnh: Cách hoạt động) – Simplilearn
- Applications of Image Recognition (Ứng dụng của nhận diện hình ảnh trong cuộc sống hàng ngày) – Analytics Vidhya
- The Future of Image Recognition (Tương lai của nhận diện hình ảnh) – Forbes
- Image Recognition Technology: What You Need to Know (Công nghệ nhận diện hình ảnh: Những điều bạn cần biết) – TechTarget