4 chiêu viết CV khi không kinh nghiệm làm việc

A) Tiếp thị sản phẩm qua CV (curriculum Vitae)

Tôi nộp đơn vào công ty dược phẩm IPSEN 8/1998 khi không có kinh nghiệm và đơn vị chưa có đăng yêu cầu tuyển dụng.

Nộp đơn vào trường EDENZ Colleges sau 5 tháng di cư sang New Zealand, không có kinh nghiệm tại NZ. Đồng thời trường không có nhu cầu tuyển dụng

Tháng 9/2016 tôi có việc tại trường WHITIREIA khi trường không đăng yêu cầu tuyển dụng.

Điểm khác biệt tại các công ty này là kinh nghiệm làm việc mỗi lúc một kiểu. Từ kinh nghiệm như tờ giấy trắng, đến hơn chục năm kinh nghiệm. Rồi trở về số 0 khi sang New Zealand. Nếu hồ sơ hay phỏng vấn của bạn bì từ chối thì nên làm gì?

Điểm chung là tôi liều khi nộp đơn dù đơn vị không tuyển dụng. Và sau đó tôi đều được nhận. Vậy cái gì làm cho tôi trở nên hấp dẫn, để công ty cho tôi một cơ hội phỏng vấn?

Bạn học giỏi, có nhiều kinh nghiệm, có những kỹ năng cứng (technical skills) và kỹ năng mềm (soft skills), nhưng không ai biết bạn, cho bạn cơ hội. Tất cả bắt đầu từ cái CV (Curriculum Vitae – Lý lịch làm việc) của bạn.

Sales, sales và sales

CV xin viec

Nếu trước đây bạn chưa từng làm việc về bán hàng (sales) và tiếp thị (marketing), thì bạn nên bắt tay vào ngay với CV của bạn trong hành trình tìm việc của bạn. Bởi vì, khi bạn viết CV, bạn đang trở thành một nhà tiếp thị của chính bạn.

Nếu bạn để ý cách các doanh nghiệp quảng cáo trên TV, bạn sẽ nhận ra rằng các doanh nghiệp sử dụng các cách khác nhau để quảng bá nội dung, sản phẩm họ bán và những chiến thuật/chiến lược khác nhau.

Khi bạn tiếp thị bản thân, cái CV chính là công cụ quảng cáo và nội dung và hình thức của CV là những đặc tính sản phẩm bạn cần nhấn mạnh. Tiêu chí để đo lường sự thành công của cái CV là bạn được mời phỏng vấn. Còn được phỏng vấn mà không thành công không phải mục tiêu của bài viết này.

B) Bạn nên quảng cáo thế nào?

1) Điểm mạnh

Xem quảng cáo

Xem chi tiết trong quảng cáo tuyển dụng, bạn sẽ tìm thấy kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần.  Trong trường hợp họ không quảng cáo, bạn tìm các công việc tương tự. Sau đó xây dựng cái CV của bạn theo hướng đó.

Liệt kê tất cả những điểm mạnh nhất bạn nghĩ rằng đơn vị tuyển dụng sẽ hứng thú. Điểm mạnh này  bất kể là “nghề nghiệp” hay “cuộc sống”. Cố gắng liên hệ với các kỹ năng nhà tuyển dụng cần.

Khi tôi nộp vào IPSEN cho vị trí sales & marketing. Tôi liệt kê chủ yếu các kỹ năng như:

  • Khả năng học hỏi nhanh (fast learner): tôi có thể quan sát và bắt chước làm lại nhanh…
  • Nghiên cứu thị trường: Tôi chuẩn bị ví dụ về các liên hệ khi làm nghiên cứu các môn học
  • Kỹ năng đồng đội: tôi liên hệ với việc tôi đi đá banh, cách phối hợp với nhóm như thế nào
  • Kỹ năng giao tiếp: tôi liên hệ đến việc tôi đi tham gia câu lạc bộ nói tiếng Anh ở Nhà Văn Hoá Thanh Niên; khả năng nói chuyện trước công chúng
  • Kỹ năng quản lý thời gian: tôi liên hệ việc tôi quản lý thời gian khi hoàn thành các môn học và tốt nghiệp 2 trường đại học cùng 1 thời điểm (Kinh Tế & Hoa Sen)
  • Kỹ năng phân tích số liệu: từ việc thực tập tại khách sạn Mercury, Bưu điện TPHCM

Trung thực hay không?

Tôi không khuyên bạn nói không đúng sự thật. Tôi khuyên bạn nên cung cấp cái nhà tuyển dụng cần.  Bạn cần một hoặc nhiều ví dụ để chuẩn bị khi được mời tuyển dụng. Như vậy, mỗi 1 vị trí bạn nộp đơn, bạn cần phải có 1 CV khác nhau. Bạn cần phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho 1 CV cho 1 công việc nào đó.

Khi nộp CV vào trường EDENZ dạy học, tôi không có kinh nghiệm New Zealand. Tôi không đề cập đến kinh nghiệm nhiều. Tôi nói về quá trình học của tôi tại NZ (đạt bao nhiêu A+, môn học gì, hiểu biết về văn hoá của nhiều nước. Nó sẽ phù hợp cho môi trường đa văn hoá tại trường.

2) Kinh nghiệm làm việc

Mẫu CV lúc nào cũng có mục kinh nghiệm làm việc, liệt kê từ mới nhất (ở trên) đến cũ nhất (ở dưới). Mà bạn thì không có kinh nghiệm thì ghi cái gì bây giờ. Thay vào đó, hãy ghi về kỹ năng hơn là vai trò cụ thể. Ở mục 1 trên, bạn có thể liệt kê ra 20 kỹ  năng. Tuy nhiên, ở phần này, bạn nên chọn lựa ra những cái chính, thật đắt giá để đưa vào.

3) Những kỹ năng sống còn khác có nên đưa vào không?

Nên và không nên

Việc đòi hỏi đi nhiều, ví dụ quản lý bán hàng khu vực, bạn cần phải có bằng lái xe . Nhưng nếu bạn làm văn phòng, thì bằng lái xe không cần ghi.

Bạn đang ở New Zealand hay nước nói tiếng Anh nào khác, bạn đâu cần phải ghi điểm IELTS. Bạn chỉ cần nói là trình độ của bạn là Upper Inter hay advanced (hay ghi là professional proficiency)…vì rõ ràng bạn cần phải biết tiếng Anh. Nếu ở VN, bạn ghi điểm IETLS sẽ lợi thế vì ở VN giờ ai cũng quan tâm IELTS (hay TOEIC)

Khi nộp đơn cho IPSEN, tôi ghi biết tiếng Pháp, kỹ năng phân tích dùng EXCEL. Khi nộp đơn vào EDENZ và Whitireia, tôi vẫn ghi biết tiếng Pháp, Trung Quốc (vỡ lòng). Và điều này nó tăng cơ hội cho tôi khi ở trường có nhiều sinh viên Trung Quốc.

4) Kinh nghiệm ngoài trường lớp

Nên ghi kinh nghiệm như mùa hè xanh, hướng đạo, tình nguyện… Dù không có lương cho các hoạt động đó, chắc chắn bạn có 1 bài học nào đó.

Tôi hay khuyên các bạn tôi quen nên đi làm kiếm cơm trong 2 ngày, rửa chén cũng được. Đi học 3 ngày. Hai ngày còn lại đi tình nguyện, thực tập cho đúng chuyên môn, càng lâu càng tốt. Nếu bạn học Business và yêu thích làm mảng bán lẻ, thì xin vào các cửa hàng bán lẻ. Nếu bạn ham mê kinh doanh quốc tế, thì tìm các công việc liên quan xuất khẩu của New Zealand. Hãy luyện tập Critical thinking để biết chọn lựa công ty phù hợp cho cái bằng cấp bạn học.

Khi tôi đi làm không công tại khách sạn Mercure Sài Gòn (tập đoàn Accor) ở phòng Kế Toán,  tôi học được rất nhiều việc quản lý tài chính, cách vận hành và quản lý. Tôi vừa nói tiếng Anh với ông quản lý người Hong Kong, vừa nói tiếng Pháp với ông Front Office Manager. Học cả cách lập trình Foxpro (1 chương trình thời điểm 1996). Kinh nghiệm này giúp ích cho tôi rất nhiều khi xây dựng chương trình quản lý ngân sách của trình dược viên khi làm ở IPSEN.

5) Phần giáo dục và đào tạo.

Bạn liệt kê bằng cấp cao nhất, không cần đề cập trường trung học làm gì. Bạn có thể đề cập đến kỹ năng trình bày, viết business plan, làm dự án, nghiên cứu…sao cho các kỹ năng này liên quan đến công việc bạn ứng tuyển.

Nếu bạn là học sinh giỏi, xuất sắc thì hãy ghi số điểm của bạn (8/10 hay 3.5/4). Nhà tuyển dụng sẽ chọn bạn thay vì một ứng viên làng nhàng khác.

Nếu có tham gia các khoá học khác bên ngoài: quản lý dự án, quản lý thời gian…thì cũng nên đưa vào.

C) Tìm tư vấn

Nếu bạn không tự tin sau khi đọc bài viết này thì nên tìm tư vấn. Bạn nên trang bị cho bản thân các kỹ năng phỏng vấn, viết đơn xin việc, networking để có chiến lược đúng đắn. Khóa học này sẽ có ích cho bạn.

Chúc các bạn may mắn

Spread the love
Lên đầu trang