Các nghiên cứu về việc đọc sách chỉ ra rằng
- trẻ em trong tuổi đi học đọc sách thường xuyên thì kết quả học tập sẽ tốt hơn
- thu nhập của người không đọc sách thường thấp hơn người đọc sách là 6%
- người đọc sách thường xuyên sẽ có sự thông cảm hơn
- thói quen đọc sách của trẻ là do thầy cô giáo ở trường và cha mẹ.
Người không đọc sách thì viện lý do không có thời gian: 31%, không hứng thú với sách: 24%. Phần lớn những người không đọc sách là đàn ông.
Theo một thống kê của New Zealand, tỷ lệ người lớn đọc một (1) quyển sách năm 2016 là 88%. Số lượng sách trung bình trong nhóm người đọc sách này là 20 quyển/năm.
Thói quen đọc sách của mỗi người là do bản thân thấy cần đọc sách hoặc có người khác thúc đẩy. Nhưng việc tiếp cận được sách dễ dàng cũng là một nhân tố quan trọng. Tại New Zealand, đó là hệ thống thư viện trải dài khắp cả nước.
Hệ thống thư viện New Zealand
Tổng dân số năm 2016 là 4.7 triệu người (bao gồm cả trẻ em). Và số người có thẻ thư viện (thành viên) chiếm 35% dân số. Nếu quy theo hộ gia đình 3 người, thì mỗi gia đình có 1 thẻ thư viện. Tổng số lượng sách mượn là 48,157,565 quyển, tương đương với 10 cuốn sách/người/năm. Có tổng cộng 318 thư viện công với hơn 3000 nhân viên. Có nghĩa là mỗi thư viện phục vụ 14,779 cư dân.
Bất kỳ người dân nào cũng có thể vào thư viện New Zealand để đọc sách, nghiên cứu, hay vui chơi. Nếu bạn không mượn sách về nhà, không sử dụng máy tính tại thư viện, không in ấn, bạn không cần phải làm thẻ.
Thư viện New Zealand như thế nào?
Ở các thành phố lớn như Auckland hay Wellington, bạn sẽ bắt gặp được nhiều thư viện hiện đại rộng hàng ngàn mét vuông với đủ loại ấn phẩm từ cổ chí kim. Mỗi thư viện cũng còn là một công trình kiến trúc rất độc đáo và rất riêng. Từ việc trưng bày sách, bố trí ghế ngồi, màu sắc phòng đọc, ánh sáng đểu là một nghệ thuật.
Nếu đến những vùng quê, bạn sẽ bắt gặp những thư viện nhỏ nhắn xinh xinh như thế này
Và nếu ở xa, hoặc không có thời gian đến thư viện, đọc giả sẽ được phục vụ tận nơi bằng những thư viện di động như thế này.
Bạn có thể làm gì tại bất kỳ một thư viện New Zealand?
Thư viện dành cho tất cả mọi người, và bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những người vô gia cư vào thư viện đọc sách.
Đối với nhiều người, thư viện New Zealand đã làm thay đổi cuộc sống của họ. Thư viện chia ra rất nhiều khu cho từng loại đối tượng. Nghiên cứu có chỗ riêng, nghe nhạc hay xem phim có chỗ riêng, cả gia đình vào có khu riêng, học tiếng anh, học cách xin việc
Bạn không nhất thiết phải ngồi đọc/học ngay ngắn. Bạn có thể quỳ, bò, nằm đủ mọi tư thế, chẳng ai làm phiền bạn. Miễn là đừng ngáy hay làm ồn là được.
Mỗi tuần gia đình tôi đến thư viện ít nhất là 2 lần để đọc sách vì cả nhà ai cũng ghiền mùi giấy.
Ngoài sách giấy, thư viện điện tử là cái mới đáng nói đến. Bạn có thể đăng nhập và mượn tạp chí, sách, báo điện tử và tải về thiết bị cầm tay. Bạn có thể học trực tuyến với Lynda (của LinkedIn) chỉ với một cái thẻ thư viện mà không phải tốn tiền.
Làm thẻ thư viện như thế nào?
Tôi thích chính phủ điện tử của New Zealand và thư viện New Zealand cũng điện tử hóa như thế.
Làm thẻ thư viện thật đơn giản: bạn chỉ cần gõ thông tin cá nhân vào trang web (tại nhà hoặc thư viện), đến quầy gặp nhân viên, trình hộ chiếu hoặc bằng lái xe và bằng chứng về nơi ở. Bằng chứng về nơi ở là hóa đơn tiền nước hoặc tiền điện mang tên bạn. Nhân viên sẽ cấp ngay cho bạn cái thẻ từ. Ngay cả cái thẻ thư viện, họ cũng hỏi bạn thích thẻ có hình gì. Mặt sau thẻ là mã vạch để bạn mượn sách.
Nếu bạn không có bằng chứng về nơi ở khi đăng ký, bạn chỉ mượn được 2 sản phẩm. Thư viện sẽ gởi thư về địa chỉ bạn đăng ký, bạn cầm thư này và ra bất kỳ bưu điện nào để xác nhận. Lúc này thủ tục hoàn tất 100%, bạn được mượn một lần 35 sản phẩm.
Tại Auckland, cái thẻ thư viện này còn là chứng nhận bạn đang sống tại Auckland nữa. Nếu bạn đi các bảo tàng Aucland, bảo tàng hàng hải, chỉ cần chìa thẻ thư viện là không phải tốn tiền vé. Công dân New Zealand mà sống ngoài Auclkland, khi đi đến các nơi đó vẫn phải trả tiền bình thường.
Mượn & trả ấn phẩm ra sao?
Bạn có thể đến bất kỳ thư viện nào trong hệ thống thẻ của bạn tìm trực tiếp bằng hình thức “vật lý”, tức là đến từng kệ để tìm. Cách này phù hợp khi bạn thấy cuốn gì, mượn cuốn đó.
Bạn cũng có thể đăng nhập vào thư viện điện tử, tìm sách và đặt sách trên đó. Cách này phù hợp cho những bạn biết mình muốn tìm cái gì. Nếu sách chưa có ai mượn, bạn được mượn ngay. Nhân viên thư viện sẽ lấy sách đó và để lên quầy sách riêng cho những người đặt sách. Mỗi quyển sách sẽ có 1 biên lai mang tên của bạn và tên sách. Đồng thời thư viện sẽ gởi cho bạn một cái thư báo là sách đã sẵn sàng, bạn phải đến nhận trước một ngày nào đó. Nếu bạn nhận sách trễ hơn ngày đó, bạn sẽ bị phạt.
Bạn chỉ cần đưa mã vạch của thẻ thư viện để máy đọc, sau đó đưa quyển sách vào khu vực “quét từ” để nhận diện vì mỗi quyển sách đều có 1 thẻ từ mỏng. Lúc này bạn ra cổng an toàn. Nếu quên, thì chuông sẽ kêu lên.
Nếu mượn đĩa CD, DVD hoặc sách có kèm CD/DVD thì bạn sẽ ra gặp nhân viên để họ quét giúp mình. Vì có trường hợp sách đã bị mất đĩa, hoặc hộp đĩa gốc có 2 đĩa, nhưng thực tế chỉ còn 1.
Mỗi ấn phẩm được mượn 30 ngày. Nếu gần đến ngày hết hạn mà chưa xem xong, bạn có thể gia hạn bằng cách đăng nhập vào tài khoản. Nếu cuốn đó không có ai đặt, thì bạn được giữ đọc tiếp. Nếu có người xếp hàng mượn, bạn phải trả sách.
Khi cần trả sách, bạn chỉ cần mang đến bất kỳ thư viện nào trong cùng hệ thống và bỏ vào thùng. Không cần phải làm thủ tục gì cả.
Ngân sách hoạt động cho thư viện từ đâu?
Hàng quý, tôi nhận được một lá thư từ thành phố (council), nói rỏ là tiền tôi đóng thuế được dùng như thế nào. Chi tiết được liệt kê ra cho từng khoản mục lớn.
Chính cái sự minh bạch này, nó cũng góp phần làm New Zealand trở thành quốc gia đáng sống số hai (2) trên thế giới. Xem thêm bài 37 nước giàu có, lành mạnh, hạnh phúc và thịnh vượng nhất thế giới
Bạn thấy đấy, thủ tục hành chính đơn giản, quản lý hiện đại, chi tiêu minh bạch làm cho người dân gần với hành chính công hơn. Thư viện đẹp đẽ, khang trang, lịch sự kéo người dân đến thư giãn. Người dân đam mê đọc sách cũng từ đấy mà ra. Rồi đất nước tiếp tục hùng cường.
Nếu mỗi xã của Việt Nam có một cái thư viện thay vì cái ủy ban xã hay hội đồng nhân dân. Thay vào những tượng đài ngàn tỷ là những thư viện khang trang đầy sách thì đó chính là hồng phúc của dân tộc.
Ps: bạn dễ dàng bắt gặp những tủ sách nhỏ ven đường như thế này. Bạn có sách dư thì để vào đấy, bạn cần sách đọc thì cứ lấy. Đáng yêu lắm phải không?
Có thể đọc thêm bài: 7 cách để tạo thói quen đọc sách