LTS: Đây là bài viết của anh Phạm Thanh Sơn, 1 người đã sống tại Auckland New Zealand được 3 năm. Bài viết có rất nhiều thông tin để các bạn ở VN tham khảo. Được sự đồng ý của tác giả, tôi đăng lại đây để các bạn dễ dàng tìm kiếm & lưu trữ. “Mình” hay “tôi” trong bài này là của tác giả. Vn2nz chỉ dàn trang lại để đọc dễ theo dõi trên thiết bị điện tử.
I) Lời giới thiệu
Mình nhận thấy hiện nay có rất nhiều gia đình muốn “tị nạn giáo dục” ở các nước như Canada, Mỹ, Úc và New Zealand.
Việc đi được hay không, có đủ điều kiện đi không, đi như thế nào thì là công việc của các công ty tư vấn du học và định cư nên mình sẽ không bàn ở đây.
Những bạn mới này cần tìm hiểu thông tin về đất nước mà họ dự định đến về mọi mặt: cuộc sống, con người, mức sống, giáo dục, v.v.. để chuẩn bị tốt nhất cho 1 cuộc sống mới.
Thông tin về đất nước, con người, giáo dục có thể tìm được dễ dàng trên Internet nhưng câu hỏi mà mọi người thường hay trăn trở nhất trước khi đặt chân đến một đất nước xa lạ luôn là:
1. Mình có thể tìm được công việc không ? Hoặc là mình sẽ làm gì để sống ?
2. Mức thu nhập có đủ chi phí hàng tháng không hay là phải thâm vào số vốn mang theo từ Việt Nam.
3. Các chi phí sống ra sao ?
4. Chính phủ có hỗ trợ gì không ?
5. Với chi phí sinh hoạt như thế, làm sao để có thể có thêm thu nhập thêm để phụ chồng/vợ trong các sinh hoạt phí ?
Đây là điều mà ai một khi bắt đầu lên kế hoạch đi du học/định cư đều đặt ra vì sự sinh tồn hoặc vì 1 tương lai trước mắt.
Có nhiều người loay hoay mãi với các câu hỏi đó mà không tìm được câu trả lời, cũng như vì tiếc công việc hoặc sự ổn định ở Việt Nam mà mãi vẫn không thể quyết định được là có nên đi hay không?
Hiểu được các trăn trở trên, mình thì chưa đến các nước khác, nhưng với vốn kinh nghiệm gần 3 năm ở Auckland, mình muốn chia sẻ thông tin về mức sống ở Auckland nơi mình sinh sống để phần nào giải đáp được các thắc mắc của các bạn.
Tưởng chừng những thông tin mình nghĩ ai cũng biết thì nhiều bạn lại chưa biết. Tìm trên Internet cũng có chỗ có chỗ không và phải tổng hợp lại.
Mình nghĩ rằng sự chia sẻ thông tin rất quan trọng, đối với mình có thể thấy bình thường vì cuộc sống cứ đều đều trôi qua thật yên bình nhưng đối với những bạn chưa đặt chân sang NZ thì những thông tin đó lại thật sự hữu ích.
Bài viết này chủ yếu tập trung vào chi phí sinh hoạt, gồm 1 chuỗi bài nói về phần chi ra (sinh hoạt phí), phần thu vào (thu nhập của bạn) và phần cuối là làm sao để có thu vào lớn hơn chi ra. Tất cả thông tin đưa ra chưa phải đầy đủ nhưng phần nào cũng giúp các bạn hiểu rõ hơn những gì thực tế mình đã trải qua.
II) Phần chi ra
Ai nói làm Việt Kiều là sướng là giàu có thì nên suy nghĩ lại sau khi đọc bài viết này.
Các bạn có hiểu gì về những áp lực kinh tế trong cuộc sống hàng ngày không ?
Ở bên đây kiếm tiền đã khó, làm giàu lại càng khó hơn vì New Zealand là một đất nước tuân thủ pháp luật và có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất nhì thế giới.
Chỉ cần có đủ ăn đủ mặc và kiểm soát được chi phí hàng tháng cũng đã được gọi là thành công.
Các chi phí sinh hoạt ra sao ?
Chi phí sinh hoạt ở New Zealand khá đắt đỏ, Auckland là đứng thứ 35 thành phố đắt đỏ nhất thế giới và đứng thứ hai trên 11 thành phố lớn ở châu Đại dương theo báo cáo năm 2018 (nguồn https://www.expatistan.com/cost-of-living/auckland)
Dưới đây là một vài liệt kê cho chi phí sinh hoạt hàng tháng của một gia đình 5 người như mình:
II.1. Nhà cửa:
Thuê
– Giá thuê trung bình một tuần từ 400-500nzd cho một căn nhà 2 phòng ngủ. Nó còn tùy thuộc vào vị trí nhà, tình trạng căn nhà và tùy theo mức hào phóng của chủ nhà.
Mỗi căn nhà khi được cho thuê sẽ được chủ nhà hoặc người đại diện quản lý nhà (agent) ghi nhận hết thông tin những người muốn thuê và họ sẽ chọn ra gia đình mà họ ưng ý nhất. Ví dụ nếu gia đình bạn có 2 con sẽ dễ dàng được ưu tiên hơn gia đình có 3 con hoặc có chủ nhà không thích cho người Ấn Độ thuê vì sợ mùi cà ri.
Nói chung việc thuê được nhà cũng hên xui, có khi nhanh và có khi chậm, như nhà mình may mắn mới qua gặp được chủ nhà dễ thương cho thuê nhà 2 phòng ngủ mặc dù có tới 3 trẻ em và giải quyết trong vòng 1 tuần khi đặt chân qua NZ.
Khi thuê được nhà, bạn phải chi ra tiền bond (thường là 4 tuần), tiền nhà trả trước khoảng 2 tuần. Trách nhiệm giữ gìn cảnh quan như cắt cỏ, tỉa cây tùy vào sự thỏa thuận với chủ nhà.
LTS: bạn có thể xem thêm bài thủ thuật tìm nhà
Mua
– Còn nếu bạn mua nhà thì giá nhà ở Auckland rất đắt đỏ, trung bình 500,000nzd cho một căn nhà 2 phòng ngủ. Với giá đó bạn cũng chỉ có thể mua nhà cũ có tuổi đời vài chục năm (nếu không nói là hơn 50 năm).
Riêng mình vì ham hố nhà mới, cách âm, cách nhiệt tốt và để có được zone trường tốt cho các con, cảnh đẹp như Đà Lạt có biển, và cũng chỉ 2 phòng ngủ mà lại cách trung tâm tới gần 50km, và giá rẻ hơn ở gần trung tâm chút ít mà giờ mình đang ôm cục nợ 30 năm và ngày nào cũng lái xe đi làm hơn 1 tiếng/chiều. Ngày trút được hết gánh nặng này còn xa tít tắp.
– Nếu bạn có thể trả hết tiền nhà 1 lần thì xin chúc mừng bạn, bạn khỏi phải lo nghĩ nhiều về tài chính vì tiền nhà là một trong những chi phí cao nhất hàng tháng.
Nếu bạn mua nhà, ngân hàng thường sẽ cho bạn vay 80% giá trị căn nhà với điều kiện bạn có thể chứng minh tài chính là mình có thể trả được nợ sau khi trừ hết chi phí.
Tuy nhiên việc trả tiền gốc và lãi (khoảng 5%/năm) cho ngân hàng hàng tháng có thể ngốn hơn nửa tháng lương của bạn.
Ngoài việc trả tiền ngân hàng, bạn còn phải trả tiền luật sư khi làm giao kèo mua bán nhà (thông thường ngân hàng sẽ cho bạn khoản tiền này ), bảo hiểm nhà, bảo hiểm nếu bạn thất nghiệp, tiền council rate cho miếng đất bạn đang sở hữu ít nhất cũng là 1,500nzd/năm hay tiền Body corp (nôm na là phí bảo trì chung cư) nếu bạn ở khu nhà có chia sẻ không gian sống chung (chung cư, town house) khoảng hơn 2,000nzd/năm tùy vào vị trí.
II.2. Xe cộ:
Xe cộ là khoản chi phí phải có cho mỗi nhà trừ phi bạn chỉ muốn sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ.
Đất nước New Zealand có diện tích 270,000km2 chỉ nhỏ hơn Việt Nam hơn 50,000km2 nhưng chỉ với dân số 4 triệu người so sánh với hơn 90 triệu người ở Việt Nam, nên các nơi sinh sống được trải rộng ra. Việc đi lại cũng tốn thời gian và tiền bạc.
Mỗi nhà thường có 1 hoặc 2 chiếc xe, cho 2 vợ chồng đi làm hoặc 1 người đi làm, một người đưa đón con cái, đi chợ búa. Mỗi xe có giá từ bình dân 4000nzd trở lên cho đến vài chục hay vài trăm ngàn.
Có nhiều loại xe cũ mới, tình trạng khác nhau và do đó có khá nhiều lựa chọn cho bạn. Tuy nhiên với chi phí cho xe cộ cũng tốn mất một khoản cho chi phí ban đầu của gia đình bạn.
II.3. Các đồ dùng sinh hoạt:
Sau khi có nhà bạn sẽ phải sắm sửa cho căn nhà của bạn. Các dụng cụ sinh hoạt có thể bao gồm máy giặt, máy sấy, máy rửa chén, máy hút bụi, nồi niêu nấu nướng, tủ lạnh, tủ đông, chén đũa, ly muỗng, các máy móc làm bếp như máy nướng, nồi chiên, máy đánh bột, máy làm mì, máy ép trái cây, nồi ủ, nồi lẩu, nồi nấu chậm hay nồi áp suất.
Ngoài ra còn có giường nệm, mền, mền điện, lò sưởi để giúp bạn có giấc ngủ ngon bất kể mùa hè hay mùa đông.
Tất cả những đồ dung trên đều có thể mua ở các siêu thị lớn như: The Warehouse, Noel Leeming, Harvey Norman, JB Hifi, Briscoes, v.v.. Các siêu thị này thường xuyên có chương trình giảm giá.
Lưu ý cái nào ở Việt Nam các bạn có thể mang qua được thì nên mang, nếu không sắm sửa một lần như thế cũng ngốn của bạn kha khá tiền.
II.4. Đồ ăn:
“Có thực mới vực được đạo” nên ăn uống là chuyện hàng ngày. Chúng ta có thể đi chợ ở các siêu thị, các chợ châu Á hoặc các chợ trời.
II.4.1. Tự nấu ăn:
Tất cả các thực phẩm tươi sống hay đông lạnh, đóng hộp, nước giải khát đều có thể mua ở các siêu thị như Paknsave, Countdown, New World.
Bạn cũng có thể mua được xương bò để nấu phở hay gia vị nấu những món Vietnam bên này trong những siêu thị việt, tàu hay thái lan. Việc mua đồ sống và tự nấu ăn sẽ giảm được đáng kể chi phí của bạn.
Dưới đây là liệt kê giá của một số món đồ cơ bản:
- Gạo: khoảng 20nzd cho 1 bao 10kg
- Trứng: 30 quả size 6: 8nzd
- Thịt bò: 15nzd/kg tùy vị trí của thân bò
- Thịt heo: 10nzd/kg tùy vào chất lượng và vị trí thịt.
- Đùi gà: 7nzd/kg
- Mì gói: 80cent/gói
- Nước mắm: 8nzd/chai 750m
- Cá: trung bình cũng từ 10nzd/kg trở lên
- Sữa tươi: 5.5nzd/2l
Tất cả giá có thể check online được ở từng siêu thị, ví dụ như ở Countdown. Việc chi trả cho đồ ăn là trung bình khoảng 100-200nzd/tuần.
II.4.2. Ăn ngoài nhà hàng:
Ăn ở nhà hàng thì cũng kha đắt đỏ, trung bình ăn một bữa trưa gồm cả nước uống khoảng 18nzd. Nếu ăn ở nhà hàng fast food như Mc Donald, KFC cũng ngốn của bạn 11nzd. Một ly café cũng có giá khoảng it nhất là 4nzd.
Còn nếu vô các nhà hàng sang hơn hoặc quán bar bạn có thể phải trả từ 50-100nzd cho mỗi người.
Do đó hầu hết mọi người ở New Zealand thường mang theo đồ ăn trưa (bánh mì, mì, cơm, sushi, v.v..) để tiết kiệm chi phí ăn uống. Còn bạn thích ăn ngoài vì lý do gì thì tùy theo khả năng tài chính của bạn.
II.5. Sinh hoạt phí khác:
Ngoài các chi phí quan trọng ăn ở đi lại như trên, bạn sẽ có các khoản chi khác như:
– Các chi phí cho đồ dùng sinh hoạt hằng ngày: đồ vệ sinh cá nhân, bao đựng rác, nước rửa chén, xà bông giặt, nước tẩy, quần áo, giày dép.
– Điện: trung bình khoảng 100nzd/tháng và sẽ tăng cao hơn vào mùa đông
– Nước: tiền nước khoảng 60nzd/tháng cho sinh hoạt, bao gồm luôn tiền xử lý nước thải
– Internet: Internet ở New Zealand khá đắt và tính theo dung lượng gói data. Thường gói không giới hạn trung bình khoảng 80nzd/tháng
– Gas :Tùy theo nhà bạn có sử dụng gas để nấu ăn và nước nóng sinh hoạt hay không. Nếu không bạn sẽ phải trả thêm tiền gas hoặc tiền điện cho khoản này thêm 50nzd/tháng nữa.
– Xăng, giao thông: tiền xăng ở New Zealand khá đắt, hiện nay ở khu vực Auckland có giá trung bình là 2.2nzd/lít xăng. Nếu bạn có xe hơi tự lái thì bạn trả mỗi tuần khoảng 100nzd/tuần. Bạn cũng có thể lựa chọn đi lại bằng xe công cộng để giảm bớt chi phí và tránh kẹt xe (nhưng sẽ cực nếu mưa gió hay mùa đông lạnh). Trung bình chi phí cho giao thông đi lại cho cả nhà tiêu tốn của bạn khoảng hơn 500nzd/tháng.
– Tiền học cho con:
- tiền đồng phục,
- tiền học phí,
- tiền gửi pre-school (tùy vào khu vực có thể được miễn phí hoặc thậm chí được cho ăn, cho sữa uống hoặc những khu vực bình dân hoặc có thu nhập cao thì tiền học phí sẽ tốn hơn một chút nhưng bù lại được trường tốt),
- tiền gửi trẻ trước và sau giờ (vì thời gian học chính thức của trẻ em là từ 9am-3pm nên khá bất tiện cho cha me đang đi làm),
- sinh hoạt ngoại khóa trong trường, các sinh hoạt của trẻ trong các kỳ nghỉ giữa 4 học kỳ và 2 tháng nghỉ hè, các môn học thêm khác như đàn, golf, võ thuật, tennis nếu nhà có khả năng, v.v. ( mình sẽ viết riêng về giáo dục ở NZ – vì nó rất tuyệt)
– Nếu bạn nào có hút thuốc thì nên tập cai thuốc đi là vừa vì một gói thuốc là Malboro có giá khoảng hơn 20nzd. Nhiều người mình biết đã sử dụng thuốc điện tử và từ từ cai hẳn thuốc vì tiếc tiền.
– Bạn nào hay uống bia thì có thể mua bia ở các siêu thị hay Liquor shop với giá cũng hơn 1nzd/chai. Bia Ken ngoại nhập có thể mắc hơn. Nếu bạn chịu khó, bạn có thể mua những “kit” làm bia tươi tại nhà khá ngon và rẽ. Ai quan tâm thì inbox mình chỉ cho làm.
– Các chi phí phát sinh khác: sẽ có những khoản chi phí phát sinh đột xuất thâm hụt vào ngân sách của bạn như như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe hơi, tiền sửa xe, tiền vé máy bay về Việt Nam có việc đột xuất, tiền sửa chữa nhà, tiền ăn ngoài, giải trí, tiệc tùng hoặc các chuyến đi chơi dã ngoại, tiền đậu xe ở city.
Dự phòng
Do đó, bạn phải đảm bảo trong tài khoản có một khoản dự phòng để đề phòng các trường hợp này.
Có rất nhiều trang web liệt kê những chi phí sinh hoạt ở Auckland như https://www.expatistan.com/cost-of-living/auckland nhưng những gì mình liệt kê ở trên coi như cơ bản là tạm đủ.
Nói tóm lại, chi phí trung bình hàng tháng của một gia đình 2 người lớn và 2 trẻ em rơi dao động vào khoảng 4,000-5,000nzd/tháng.
Dĩ nhiên điều này còn tùy thuộc vào điều kiện, sự tính toán chi tiêu của từng nhà. Tuy nhiên đây là các chi phí cố định cơ bản mà bất cứ nhà nào cũng phải chi ra.
Bạn nên có kế hoạch chuẩn bị đủ tiền để sinh hoạt trong thời gian bao nhiêu lâu trong trường hợp tệ nhất (khi chưa có thu nhập từ việc làm) và luôn có một khoản dự phòng để cho cuộc sống đỡ bị stress.
Hồi mới qua mình đặt mục tiêu chỉ chịu đựng được 6 tháng thất nghiệp trước khi hết tiền và sẽ quay về nước. May mắn là mình đã có việc từ tháng thứ 3, nhưng như thế là cũng đã rất stress lắm rồi.
III) Phần thu vào
Mình có thể tìm được công việc không ? Hoặc là mình sẽ làm gì để sống ? Đó sẽ là câu hỏi tiếp theo cần giải đáp trước 1 cuộc thay đổi lớn cho gia đình.
Liệu tiền thu nhập đó có đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hay không ?
III.1. Triển vọng việc làm:
III.1.1. Công việc tay chân
Nếu bạn là người chịu khó thì sẽ luôn có công việc dành cho bạn.
Các công việc không đòi hỏi ngồi trong văn phòng đều có thể dễ dàng kiếm được nếu bạn là người chịu khó. Và mức thu nhập cũng đủ giúp bạn trang trãi cuộc sống.
- bán hàng,
- trang trí móng (nail),
- nhân viên phục vụ nhà hàng, quán café,
- xây dựng, sơn nhà ,
- làm nông trại,
- xử lý nước thải, v.v..
Ở NZ, họ không câu nệ bạn làm nghề gì, miễn đó là việc làm kiếm tiền chân chính thì bạn luôn được tôn trọng.
Có những ngành phải có chứng chỉ hành nghề và phải có chứng chỉ hành nghề mới được làm như thợ điện, thợ nước có thu nhập rất cao.
Ngay dân bản xứ cũng thích làm sơn, xây dựng và họ cũng có cơ ngơi đàng hoàng, sống thoải mái.
Tìm việc ở đâu
Các trang web của cộng đồng người Việt, các hội Facebook về tìm việc, các trang web tìm việc như seek.co.nz, thậm chí quảng cáo trên báo đều có thể là nguồn tìm việc cho bạn.
Ngoài ra bạn cũng cần phải nhờ những mối quan hệ của mình để tìm được công việc cho mình.
Một số bạn qua New Zealand để tìm công việc chuyên môn cao nhưng thị trường một phần việc làm cạnh tranh, hai là áp lực tài chính trong cuộc sống, ở nhà thì lại buồn nên thường lơ là mục tiêu chính và chấp nhận đi làm công việc không đúng chuyên môn tạm cho đỡ buồn và để kiếm tiền.
Các bạn này mặc dù giải quyết được bớt áp lực nhưng lại chệch mục tiêu, cũng không có thời gian trau dồi chuyên môn thì rất dễ thay đổi định hướng nghề nghiệp.
Tôi khuyên bạn nên cố gắng đặt ra kế hoạch tài chính trong trường hợp tệ nhất là cả nhà không có thu nhập trong bao nhiêu lâu (ví dụ như 6 tháng) và chỉ hoàn toàn tập trung tận dụng mọi khả năng, mối quan hệ để tìm công việc như ý trong thời gian đó. Chuyện sau đó từ từ tính tiếp.
III.1.2. Công việc chuyên môn:
Thế nếu bạn là người có kỹ năng, có tay nghề, thì hoàn toàn có thể tìm được một công việc có liên quan. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào thời điểm của thị trường, vào kỹ năng của bạn, vào kinh nghiệm xin việc và phỏng vấn, đặc biệt là khả năng tiếng Anh, cũng như tùy thuộc vào sự may mắn của bạn.
Có bạn nhanh thì khi đặt chân trong vòng một vài tuần đã có việc, có bạn kém may mắn thì có thể mất thời gian lâu hơn và kết cục mất kiên nhẫn phải đi làm công việc tay chân để duy trì cuộc sống.
Điều quan trọng là bạn phải kiên nhẫn và đứng dậy tìm ra nhưng gì cần thay đổi sau mỗi lần bị từ chối. Và tôi tin rằng bạn sẽ có một công việc vừa ý, hãy tin vào chính bạn.
Một điều nữa là bạn đừng kỳ vọng bạn sẽ được chức danh hay mức lương tương đương như ở quê nhà. Ở VN bạn có là giám đốc văn phòng, giám đốc kinh doanh, giám đốc CNTT cho toàn quốc thì qua đây đôi khi chỉ là 1 anh kỹ thuật chui gầm bàn cắm dây cáp mạng hoặc phải tự tay phục vụ trải ra giường cho các khách sạn.
Nhưng cứ đúng ngành nghề mà làm rồi trau dồi thêm kiến thức cho phù hợp thị trường lao động thì bạn sẽ đi lên và lấy lại vị trí mà mình mong muốn.
III.2. Lương bổng
Theo quy định của chính phủ kể từ ngày 1/4/2018, mức lương tối thiểu ở NZ là 16.5$/giờ và lương trong thời gian đào tạo là 13.2 NZD/giờ. Theo Statistic New Zealand, thì mức thu nhập bình quân thống kê tại tháng 3/2017 như sau:
– Nhà nước: 38.81nzd
– Tư nhân: 27.82nzd
Thu nhập bình quân toàn thời gian hàng tuần của nhân viên khu vực công là 1451 nzd; hay 1472 nzd nếu tính cả thời gian làm thêm giờ.
Trong khi đó, thu nhập trung bình hàng tuần của nhân viên khu vực tư nhân ở New Zealand là 1057 nzd hay 1085 nzd kể cả thời gian làm thêm giờ.
Một số mức lương trung bình (median gross salary) điển hình ở New Zealand mà các người Việt chúng ta thường làm như sau (nguồn từ https://www.payscale.com/research/NZ)
- Kế toán: 53,399nzd/năm
- Nhân viên văn phòng: 53,712nzd/năm
- Kỹ sư Systems: 63,303nzd/năm
- Kỹ sư Network: 68,995nzd/năm
- Kỹ sư Civil: 69,769zdn/năm
- Kỹ sư phần mềm: 62,907nzd/năm
- Đầu bếp: 48,500nzd/năm
- Office Manager: 53,423nzd/năm
Chú ý
Các bạn chú ý đây là các khoản lương trung bình tham khảo. Mức thấp nhất tương ứng lương của nhân viên ít kinh nghiệm mà còn làm cho công ty trả lương thấp. Mức cao nhất tương ứng lương của nhân viên nhiều kinh nghiệm mà còn làm cho công ty trả lương cao.
Do đó, tùy theo khả năng kỹ thuật, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng mềm của mỗi người mà sẽ có những thu nhập khác nhau, không ai giống ai.
Một điều rất quan trọng là nếu bạn làm lương ít thì đóng thuế ít, lương cao thì đóng thuế nhiều, nên mức lương thực nhận sẽ chênh lệch không nhiều, cho nên bạn đừng ngại những vị trí thấp vì từ vị trí đó, bạn tìm hiểu điểm yếu của mình mà trau dồi thêm thì sẽ đạt vị trí cao. [Admin: Xem thêm về thủ thuật đăng ký Mã Số Thuế IRD]
Có một điều rất bất cập cho các bạn mới đến NZ, đó là họ luôn đòi “ Kiwi expererience “ – nhất là những vị trí tốt – nên bạn cứ lấy bất cứ vị trí thấp nào để có cái gọi là “ kiwi experiences “ rồi trau dồi thêm một thời gian bạn sẽ xin được vị trí tốt dễ dàng hơn.
Thông thường, khoảng thời gian xin được việc dễ nhất là từ tháng 3 đến tháng 6. Nếu bạn không xin được việc trong khoảng thời gian này thì cơ hội xin việc trong những tháng tiếp theo khá thấp.
III.3. Công việc có khả năng định cư hay không?
Khả năng định cư mình nói ở đây là định cư theo dạng tay nghề (Skilled migration), còn các hình thức khác mình không bàn ở khuôn khổ bài viết này.
Công việc có khả năng định cư phải nằm trong danh sách thiếu hụt của NZ có thể kiểm tra trên trang http://skillshortages.immigration.govt.nz/.
Ngoài ra còn cần có các tiêu chí khác theo hệ thống đánh giá khả năng định cư của NZ (Point Calculator), bạn phải đảm bảo có ít nhất 160 điểm trước khi nộp hồ sơ.
Nếu bạn tự tin đủ điểm thì cứ liên hệ các công ty tư vấn định cư để được hướng dẫn và hỗ trợ. Nếu các bạn không biết liên lạc ai thì cứ inbox, mình sẽ giới thiệu cho vài công ty uy tín.
Còn nếu băn khoăn về việc chọn lựa hình thức du học định cư bạn nên tham khảo các công ty tư vấn du học để uớc tính chi phí du học New Zealand để xem khả năng tài chính có đủ không và nên du học ngành nào để dễ xin việc, dễ xin định cư. Bạn có thể tìm các nguồn học bổng để nhẹ gánh bớt 1 phần.
[Admin: xem thêm bài ngành nghề xin resident Visa của người VN]
IV) New Zealand cho lại bạn những gì
Những bài trước mình chia sẽ về những chi phí phải chi ra và triển vọng việc làm để có thể sinh tồn ở một miền đất mới.
Nhiều bạn nghe những phần đó có chút lo lắng và e sợ. Tuy nhiên các bạn an tâm 1 điều là chính phủ ở đây có tỷ lệ tham nhũng thấp và rất lo lắng cho “con dân” của mình, tiền đóng thuế của dân sẽ được chi tiêu lại cho phúc lợi của người dân.
Bài này sẽ cho bạn một số gam màu hồng về những gì New Zealand cho lại bạn để bạn có thêm động lực mạnh dạn bước tiếp.
IV.1. Về giáo dục:
Mình có 3 con nhưng vẫn đang học ở cấp mẫu giáo và tiểu học nên không có nhiều kinh nghiệm ở cấp cao. Mình chỉ nhận xét vài điều về giáo dục ở đây như sau:
– Đăng ký đi học theo đúng tuyến (zone) của trường.
– Trường được đánh giá theo decile (theo thu nhập của tuyến trường). Decile càng cao thì càng ít có tiền hỗ trợ của Bộ giáo dục rót xuống và do đó trường sẽ tự tìm cách xoay xở kinh phí qua các hoạt động của trường.
Các bé sẽ được tham gia nhiều các hoạt động vừa chơi vừa học để gây quỹ như Disco night, Gala, Color day, đi cắm trại, đi ra đảo trồng cây, v.v… Các trường muốn tiết kiệm chi phí nên thường kêu gọi các phụ huynh mỗi người phụ một tay trong các hoạt động này và phụ huynh thì sẵn sàng hỗ trợ nếu sắp xếp được (Người dân ở NZ rất thích đi hoạt động tình nguyện )
IV.1.1. Cấp mẫu giáo Pre-school :
Nhà nước hỗ trợ 20 giờ học cho các bé mẫu giáo pre-school (từ 3-5 tuổi). Cũng tùy theo trường mà bé ăn trong trường hay tự mang theo đồ ăn. Riêng trường con mình là bé tự mang theo đồ ăn trưa.
Cô giáo chỉ giúp bé bày đồ ăn ra dĩa và tự ăn – cũng có nhắc nhở nếu bé không ăn hay ăn chậm, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện ép ăn – bé không ăn thì … đói rang chịu hay 3h về ăn bù. Nhưng thật ra khi các bé thấy bạn ăn thì sẽ bắt chước theo ăn rất ngoan.
Trường pre-school thì bé vẫn chơi là chính, sẽ có giờ đọc truyện, giờ hát, giờ “ học” khoảng 30 phút cho những kiến thức nền tảng (như mắt để nhìn, tai để nghe, mommy là để đòi quà bla bla bla)
IV.1.2. Cấp tiểu học (Primary)
Con nít học tiểu học ở NZ thật sướng: không có bài tập về nhà, không phải đi học thêm. Các bài học được học trực quan vừa học vừa chơi nên tụi nhóc rất thích đi học. Trong cặp thường không có sách vở gì ngoài hộp lunchbox và nón , kem chống nắng. Nói chung là chương trình học nhẹ nhàng, và được tập trung vào phát triển kỹ năng, kiến thức cơ bản trong cuộc sống là chính.
Tuy học cấp 1 nhưng các bé cũng đã được sử dụng máy tính tự mang theo (BYOD) – hay của trường, để tự tìm hiểu về các chủ đề thầy giáo đưa ra và tóm tắt lại trên nền bộ Google Docs hoặc sử dụng các chương trình học như Mathletics, Reading Eggs để trau dồi thêm kiến thức Toán và đọc. Lớp 3 đã tự làm được 1 bài research nghiêm túc, đúng chuẩn trên Google Docs .
Những tiết dạy về khoa học khá thực tiển, ko bài vở. Bé coi xong “ trình diễn” là hiểu tại sao, như thế nào. Mình thấy cái chính của trường tiểu học ở đây là dạy bé biết hỏi tại sao, biết tự tìm thông tin chính xác, biết share quan điểm và biết “chất vấn” cho quan điểm của mình. Thầy cô là bạn cùng tìm tòi khám phá chứ không có sự “ kính trọng đáng sợ”
Các bé nắm bắt và thích nghi rất nhanh với tiếng Anh nên các bố mẹ không phải lo là con mình không theo kịp, chỉ sợ một thời gian tụi nhóc lại không nói được tiếng Việt mà thôi. Như ở nhà mình thì quy định cho các con chỉ được nói tiếng Việt ở nhà hoặc nói tiếng Việt với các bạn Việt khác.
Lớp học được bố trí không gian mở với các đồ chơi khác nhau, không có bục giảng và phấn và kiểu sắp xếp bàn ghế ngay ngắn như ở Việt Nam.
Hỗ trợ của chính phủ khi cần thiết
Các học sinh được học theo cùng lứa tuổi. Nếu có bạn nào không theo kịp hoặc gặp khó khăn trong việc học (như tự kỷ, tăng động, tiếng Anh kém, học chậm, v.v..) sẽ luôn có sự hỗ trợ từ bộ phận giáo dục đặc biệt của trường, kết hợp với chuyên gia của Bộ Giáo dục được cử xuống tận nơi để theo dõi và hỗ trợ chi phí phụ trợ cho trẻ nếu cần. Các trẻ này được bộ Giáo dục gửi đến cơ sở y tế kiểm tra đầy đủ để tìm ra nguyên nhân nhằm hỗ trợ tốt nhất cho trẻ. Việc cho học cùng lứa tuổi nhưng có giáo án riêng (Individual Education Program) giúp cho trẻ không cảm thấy có sự khác biệt với các bạn cùng trang lứa nhưng vẫn được học những gì cần học.
IV.1.3. Cấp Trung học (Intermediate and High school)
Trường khu mình dạy luôn từ lớp 7-13 (một vài nơi có trường cấp 2 ( lớp 7-8) và cấp 3 ( lớp 9-10-11-12-13 riêng) – các bé sẽ học căng hơn từ lớp 7.
Chủ yếu là dạy các bé cách tự học và kỹ năng – từ lớp 10 các con bắt đầu chỉ đi theo môn con thích một cách chuyên sâu để theo nghề con thích. Đầu vào đại học được tính trên toàn điểm con học trong suốt quá trình học lớp 10-11-12-13 (có gì sai thì các bạn góp ý dùm).
Trường cấp 3 bên này cái nào cũng to hơn dinh Độc Lập với đầy đủ sân bóng, phòng nhạc, phòng thí nghiệm, phòng hội trường….
Nói chung mình thấy trẻ em ở New Zealand được giáo dục ở môi trường tốt, được học và chơi theo đúng lứa tuổi và không bị ép học.
Chỉ có cha mẹ chúng nó là mệt thôi vì cứ phải lo đưa đón theo giờ học (9am-3pm) rồi 3 lần termbreak (học 2,5 tháng bé “ nghĩ ở nhà chơi” 2 tuần) và nghỉ hè 2 tháng, xáo trộn giờ giấc làm việc. Những ngày nghỉ này chúng ta có thể đưa các bé dưới 13 tuổi đến các hồ bơi nước ấm thuộc Auckland Council hoàn toàn miễn phí. Hay những lớp thủ công, khoa học, động vật miễn phí cho các bé ở thư viện hay phòng cộng đồng.
Phần lớn những ai mang con đi qua đây định cư, họ sẽ thấy những giá trị phi vật chất thúc đẩy họ cố gắng như: niềm hạnh phúc của các con khi đi học, kiến thức chúng học được một cách đầy thú vị, sự phát triển về thể chất rất tốt và môi trường sống trong sạch đến tuyệt vời.
IV.1.4. Giáo dục cho người lớn:
Cư dân định cư của New Zealand được học miễn phí các chương trình tiếng Anh theo các cấp độ như General, Academy hoặc Workplace ở một số trường như Dynaspeak, ELA, v.v.. riêng tiền học phí trị giá vài ngàn đô la đó được nhà nước tài trợ 100%.
Đối với Resident thì tiền học phí học nghề, học đại học, cao đẳng với chi phí của người bản xứ (Domestic), thường là chỉ bằng 1/3 học sinh quốc tế, thậm chí có trường cho học miễn phí. Dĩ nhiên bạn cũng phải thỏa một số điều kiện như ngôn ngữ hoặc kinh nghiệm liên quan.
Ngoài ra sinh viên bản địa của New Zealand được vay tiền đóng học phí (Student Loan) và trích lương trả lại khi tốt nghiệp và đi làm nên gần như cha mẹ chẳng phải lo lắng về chi phí giáo dục chất lượng cao của con cái ở đây.
IV.2. Y tế:
Trẻ em dưới 13 tuổi được khám bệnh và cấp thuốc hoàn toàn miễn phí. Mỗi lần bệnh nặng có thể gọi xe cấp cứu hoặc tự đưa vào phòng cấp cứu của các bệnh viện thì sẽ được xử lý gấp.
Hệ thống y tế công thì thời gian chờ đợi hơi lâu nhưng chất lượng cũng rất tốt. Mỗi bé được nằm một giường (hoăc phòng riêng) và được thăm khám thường xuyên, thậm chí được cho cả đồ chơi , sách, kem, bánh đến nỗi bé con nhà mình nằm bệnh viện mà kêu về còn không chịu về nữa.
Đối với người lớn thì đi khám ở các cơ sở mà mình đăng ký thì sẽ được tính giá thành viên. Chọn phòng khám nào làm phòng khám cho gia đình thì tùy thuộc vào sự tiện lợi, nhưng nếu muốn chọn theo giá cả thì có thể tham khảo www.doctorpricer.co.nz để so sánh giá cả. Khu càng có nhiều nhà giàu thì giá càng chát.
Nếu bạn có thu nhập thấp, bạn có thể được cấp Community Service card để được khám bệnh với giá ưu đãi hơn.
[Admin: Xem thêm bài về bảo hiểm y tế nếu bạn chưa được hưởng y tế miễn phí]
IV.3. Môi trường:
Điều này khỏi bàn cãi. NZ là điểm đến du lịch vì khí hậu trong lành, thiên nhiên hung vĩ và xinh đẹp.
NZ luôn đưa việc gìn giữ môi trường sạch sẽ, trong lành, biển xanh sạch đẹp lên hàng đầu.
Họ quý từng cái cây, từng con chim, con vât. Tuy nhiên NZ có tầng ozon bị thủng nên lúc nào đi ra đường ngoài nắng, các bạn nhớ xứt kem chống nắng nhé.
New Zealand có rất nhiều địa điểm và cảnh đẹp, gần gần có, xa vài chục hoặc vài trăm km có, và đẹp nhất là ở khu vực đảo Nam (cái chủ đề này dài vô tận nên thôi mình không bàn chi tiết)
IV.4. Gia đình gắn kết:
Điều quan trọng nhất mà mình thấy ít ai viết ra là cuộc sống gia đình thấy gắn kết và hạnh phúc hơn hẳn ở Việt Nam.
Ở đây đàn ông không có la cà, bù khú (vì 5h là thấy văn phòng vắng hoe), không có nhiều chỗ vui chơi giải trí thâu đêm suốt sáng, ít ăn nhậu tiếp khách hoặc có tay vịn nên đàn ông ở đây ngoan hơn nhiều.
Tan sở là tranh thủ về nhà, biết phụ giúp vợ việc nhà, biết rửa chén, nấu ăn, dành nhiều thời gian cho gia đình và con cái. Các con của mình luôn nói với mình rằng con rất cảm thấy hạnh phúc ở New Zealand, vì bố mẹ ở gần con nhiều hơn ở Việt Nam. Niềm mong ước của con trẻ đơn giản có thế thôi. Và đó là điều các chị em phụ nữ rất hài lòng mặc dù phụ nữ bên đây cực hơn ở Việt Nam nhiều.
Tóm lại giá trị của việc định cư ở nước ngoài đôi khi không đo bằng giá trị vật chất mà đo bằng những thứ không đếm được cho dù bạn ở Canada, Úc, Mỹ hay New Zealand. Và mình nghĩ nó hoàn toàn xứng đáng với những gì mình mất đi khi rời Việt Nam.
V) Cân bằng chi tiêu gia đình
Cuộc sống mới thông thường khá khó khăn. Nhất là về tài chính nên chúng ta phải cân bằng được bài toán tài chính chỉ có 2 cách là tăng thu và giảm chi.
V.1. Tiết kiệm (giảm chi):
V.1.1. Tự đi chợ nấu ăn:
Đây là khoản tiết kiệm được nhiều nhất. Việc ăn sáng ở nhà, mang theo cơm trưa và tối về ăn nhà là cuộc sống bình thường của tất cả cư dân NZ.
Giá thực phẩm NZ không quá mắc (so với thu nhập ở NZ) và Siêu thị luôn có chương trình khuyến mãi, giảm giá. Hoặc bạn có thể đi chợ ở các chợ trời (Saturday hay Sunday Farmer Market) nơi người nông dân, ngư dân đem sản phẩm trực tiếp phân phối cho người tiêu dùng.
NZ có 3 chuỗi siêu thị lớn với thứ tự : Pak n Save giá rẻ nhất, Countdown giá cao hơn 1 chút và New World giá cao nhất.
Các bạn cũng nên đi chợ châu Á như Taiping, Lim Square, Thai Heng, Gai Lee để có các món ăn, gia vị Việt hoặc gia vị châu Á. Có đầy đủ nước mắm, hạt nêm, gia vị/ bột canh, nước tương, mắm tôm, mỳ tôm các loại, phở, bún, miến khô, lạp xưởng, bột làm bánh cuốn, mắm ruốc, cà pháo, chả lụa/ giò lụa, đậu hũ, v.v..
Tóm lại mình thấy ở Aukland chẳng thiếu thứ gì, chỉ có thiếu tiền mà thôi.
V.1.2. Mua đồ Op shop :
Người NZ khá tiết kiệm và thực tế. Họ xài đồ khá kỹ và khi không xài nữa họ sẽ đem ra những của hàng từ thiện để cho.
Những cửa hàng này sẽ phân loại, hoăc sữa chửa lại những món đồ này rồi bán lại với giá rất rẻ 1-2 NZD/ món. Tiền thu được cũng để làm từ thiện.
Bạn có thể mua từ đồ dung nhà bếp ( ly , tô, dĩa, muỗng, khuôn bánh), giường tủ bàn ghế, đồ chơi cho con nít, sách, đồ may vá hay quần áo…. ở đó.
Thậm chí bạn rất hay thấy đồ còn rất mới,chưa khui – đó là những món đồ họ được tặng nhưng không xài tới. Đó là những của hàng như Salvation Army, Hospice, St. Stephens, op shop.
Nếu chúng ta có đồ tốt mà không sử dụng nữa ta cũng có thể cho các tổ chức từ thiện trên để họ phân phát cho người nghèo khổ hơn.
Đôi khi đi dạo vô những shop này, bạn sẽ ngạc nhiên khi thỉnh thoảng mua được nhũng món đồ còn rất đẹp và mới với giá rất rẻ chỉ vài đồng NZ.
V.1.3. Tự làm việc nhà:
Chúng ta nên tự làm việc nhà chứ không thuê người giúp việc: phần lớn mọi người qua NZ đều trở nên rất giỏi việc nhà.
Phụ nữ thì nghiên cứu nấu ăn, đàn ông thì chăm dọn vườn, cắt cỏ , sữa đồ dùng trong nhà, dọn dẹp.
Vì khi cùng làm ngoài niềm vui thì chúng ta tiết kiệm khá ư nhiều tiền ở cái xứ mà đụng vô việc gì cũng Labor cost !
Nếu là người hay uống bia rượu thì có thể tự làm bia tươi tại nhà với các hương vị khác nhau vừa ngon vừa rẻ.
V.1.4. Mua đồ đã qua sử dụng:
TradeMe là một cái tên rất phổ biến ở New Zealand, gần như ai cũng biết cái tên đó. Đó là một hệ thống rao vặt từ xe cộ, quần áo, đồ dùng, bất động sản, v.v..
Bạn có thể mua những món đồ đã qua sử dụng hoặc đồ mới trên website đó với giá rẻ hoặc rất rẻ (nếu bạn may mắn).
Hình thức mua bán mọi người hay sử dụng là đấu giá. Chính sách của TradeMe là bạn phải công khai khai báo thành thật tình trạng món đồ từ chỗ trầy xước, hoặc chỗ nào không hoạt động tốt chứ ít khi có tình trạng lừa đảo. Dĩ nhiên là vẫn có do đó bạn nên kiểm tra thông tin và tình trạng kỹ để tránh bớt rủi ro. Điều này cũng tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt của bạn.
V.2. Kiếm thêm (tăng thu):
Người Việt của chúng ta rất siêng năng và xoay xở rất giỏi :
- Các bạn bán thêm đồ ăn Vietnam trên mạng
- Bán hàng thủ công do chính mình làm ở các chợ thủ công mỹ nghệ
- Một số anh chị lại dùng tiền để đâu tư như chứng khoán, Bitcoin, bất động sản hoặc giao dịch ngoại tệ.
- Số khác có thể chịu khó mua nhà ngoài Auckland và cho thuê hoặc làm Airbnb cũng kiếm thêm chút đỉnh.
- Làm thêm công việc tay chân như tài xế chở khách, kitchen hand, nails, sơn, xây dựng… vào cuối tuần.
- Mua đồ ở NZ như thực phẩm chức năng, sữa…. bán Online về vn, hay đồ vn bán online qua bên này.
Kiếm tiền thụ động
Phần lớn là mọi người kiếm thêm bằng cách kiếm gì đó kinh doanh trên mạng. Vì NZ kiếm việc không dễ và đi lại khá tốn thời gian, nhất là nhũng bạn mới qua, hay những bạn ở nhà đưa đón con cái. Như nhà mình với 3 con còn nhỏ nên cũng phải vậy thôi, vừa bán online Thực phẩm chức năng NZ về VN, vừa tranh thủ tận dụng thời gian rảnh và sức mạnh Internet để kiếm thêm thu nhập theo cách của mình ở trang http://www.kiemtinthudong.live thấy cũng tạm ổn (đã chia sẽ thì chia sẽ cho tới, bạn nào quan tâm về cách mình làm thì inbox riêng nhe vì thực tế là ai cũng làm được, thậm chí làm tốt hơn mình).
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, và mỗi người đều có cách xoay xở cho phù hợp với cuộc sống để cân bằng thu chi. Mình tin là chỉ cần cố gắng rồi mọi chuyện sẽ ổn, bởi sau khó khăn sẽ luôn là phần thưởng xứng đáng.
KẾT LUẬN:
Đất nước New Zealand là một đất nước đẹp, đáng sống, thanh bình, có nền giáo dục, y tế, an sinh xã hội tôt. Việc định cư thành công ở New Zealand là một sự đánh đổi nhưng rất đáng giá cho thế hệ mầm non của chúng ta và thật ra cũng cho chúng ta. Và đó là lý do chính cho các làn sóng “tị nạn giáo dục” từ Việt Nam qua các nước càng ngày càng tăng cao và bạn sẽ không hối hận khi đạt được điều đó.
Mình hy vọng các thông tin mình chia sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về những gì bạn sẽ trải qua khi đi định cư ở New Zealand và giúp bạn chuẩn bị tài chính ở mức tốt nhất để có thể cân bằng được thu chi.
Chân thành cảm ơn tác giả, bài viết vô cùng bổ ích ( ít nhất là với mình ), mình cũng đang quyết tâm cho con cái đi tị nạn giáo dục đây ( một cháu 4 tuổi và một cháu 14 tuổi ), mong nhận được nhiều hơn nữa những thông tin chia xẻ của bạn.