Phỏng vấn là 1 môn nghệ thuật
1) Tìm hiểu về công ty
Tìm hiểu về công ty hay vị trí tuyển dụng là bắt buộc để có buổi phỏng vấn thành công. Bạn cần phải biết:
- Công ty cung cấp dịch vụ hay sản phẩm gì
- Đối tượng khách hàng
- Nhà phân phối,
- Đối thủ cạnh tranh
- Các chứng năng nhiệm vụ chính của vị trí tuyển dụng
Tìm kiếm thông tin qua sở giao dịch chứng khoán nếu là công ty niêm yết, báo cáo ngành. Đối với vị trí tuyển dụng, bạn có thể tìm ở các công việc tương đương ở cty khác.
2) Biết mức lương công việc ứng tuyển
Tự đòi mức lương là điều cấm kỵ. Tuy nhiên bạn cần tìm hiểu công ty có khoản lương như thế nào trước khi phỏng vấn. Bạn cần phải đề phòng công ty hỏi thì bạn biết mà trả lời. Nguồn tìm kiếm là các vị trí tương đương được quảng cáo. Bạn cũng có thể tham khảo mức lương khảo sát của các công ty săn đầu người để tham khảo
3) Trang phục lịch sự
Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh là cần thiết. Bạn nữ không trang điểm loè lẹt. Bạn có thể tìm hình ảnh của nhân viên công ty đó để xem cách phục trang.
4) Đến đúng giờ
Nên đến sớm khoảng 5-10 phút vì bạn cần phải qua “cổng” tiếp tân. Bạn có thời gian lướt nhanh các tài liệu của công ty ở tiền sảnh. Bạn có thể sử dụng nhà vệ sinh để xem lại trang phục, và thực hiện 1 hành động của bước 6.
5) Nhân viên nào ở công ty cũng quan trọng
Đừng nghĩ nhân viên tiếp tân của công ty không quan trọng mà bạn không có thái độ hoà nhã. Một cái nhìn thân thiện, một nụ cười lịch sự cũng ghi điểm cho bạn. Khi có nhiều người cùng phỏng vấn bạn, bạn cần phải chú ý tất cả mọi người. Không nên tập trung 1 người mà quên những người còn lại. Người Việt ít có thói quen nhìn vào mắt khi giao tiếp. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, hãy dùng nó để “hút hồn” nhà tuyển dụng.
6) Quẳng gánh âu lo, vui phỏng vấn
Phỏng vấn là cơ hội để công ty hay sếp của bạn thấy được thái độ, hành vi của bạn. Lo lắng làm bạn quên hết lời hay ý đẹp cho buổi nói chuyện. Đếm nhịp thở là cách hữu hiệu nhất để bình tĩnh trở lại. Các hành vi cơ thể: nắm chặt tay thể hiện quyết tâm, tay giơ cao biểu tượng chiến thắng cũng làm bạn tự tin hơn.
Hãy xem video này để đánh lừa trí não của bạn
7) Tạo ấn tượng hình thể tốt
Nắm tay nhau thật chặt, mắt nhìn nhau thật lâu, cười với nhau để tạo ấn tượng tốt. Hãy để ý ngôn ngữ cơ thể của bạn và nhà tuyển dụng. Bạn cần để ý họ thích thú, hay chán nói chuyện với bạn.
8) Chuẩn bị nhiều hơn mức cần thiết
Thông thường công ty sẽ báo cho ứng viên đến gặp ai. Đôi khi bạn đến, số người phỏng vấn bạn nhiều hơn mong đợi. Mang theo vài cái CV dự phòng. Giấy, viết để ghi chú lại. Thậm chí cho 1 số vị trí, họ sẽ hỏi bạn tính toán và bạn cần có giấy để làm. Đây là câu hỏi tôi hay hỏi ứng viên: Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu có bao nhiêu cây xăng?
9) Tiếp thị sản phẩm “bạn”
Được chấm hay không là ở cái đoạn này. Bạn phải tiếp thị bản thân để nhà tuyển dụng hứng thú với bạn. Nếu nói về kỹ năng quản lý dự án, thì bạn đã từng làm bao nhiêu dự án, kể tên. Khả năng giải quyết vấn đề, thì bạn đã giải quyết gì, tìm ra nguyên nhân ra làm sao…
Ví dụ trực quan, sinh động, người thật việc thật. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, tham khảo bài 4 chiêu viết CV để biết cách sales bản thân.
10) Cầm đèn chạy trước ô tô (nghĩa tích cực)
Bạn nên đoán và phân biệt câu hỏi của nhà tuyển dụng để trả lời phù hợp. Câu hỏi thuộc dạng hành vi hay khả năng.
- Hành vi thì bạn nên nói về các hành động đã được thực hiện trong quá khứ. Nhà tuyển dụng tin rằng hành vi ở quá khứ quyết định hành vi trong tương lai.
- Khả năng thì bạn nên tập trung vào các thành tích bạn đã đạt được. Ví dụ bạn tăng doanh số bao nhiêu %, đạt được bao nhiêu khách hàng mới, tiết kiệm bao nhiêu…
11) Tự tin
Tôi làm được việc ABC thay vì tôi sẽ làm ABC. Cần dùng câu khẳng định để chứng minh khả năng của bạn thay vì các câu có điều kiện.
12) Tránh làm cho nhà tuyển dụng liên tưởng tiêu cực
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Người ta hỏi vì sao bạn nghỉ công ty cũ, nên nói là công việc cũ không còn thách thức bạn nữa thay vì bạn ghét ông sếp mà đổi việc. Luôn tìm điểm tích cực để nói thay vì nói xấu công ty cũ, sếp cũ.
13) Tò mò trong phỏng vấn là tốt
Nhiều ứng viên trẻ khi được hỏi “em có câu hỏi gì cho công ty không?” thì không biết hỏi gì. Hãy chuẩn bị sẵn vài câu hỏi liên quan đến công ty, công việc. Phải hỏi những câu như thể bạn đã được tuyển rồi để “ám thị” hành vi tuyển bạn. Ví dụ: tôi sẽ nộp báo gì hàng tuần, hàng tháng. Quy trình đặt hàng này tôi sẽ làm như thế nào? Anh chị đánh giá hiệu quả công việc của tôi như thế nào trong 3 tháng, 6 tháng.
14) Bóng gió về sự cộng tác sắp tới
Hỏi về các bước kế tiếp sau buổi phỏng vấn. Hỏi về thời gian ra quyết định của họ.
15) Cám ơn & theo dõi
Viết email cám ơn từng thành viên đã phỏng vấn bạn nếu họ đưa Name Card. Nếu không thì lên mạng công ty tìm email của họ. Không nên viết chung, hãy viết riêng cho từng người để thân mật hơn. Nói bạn rất hứng thú và học hỏi được rất nhiều từ họ. Họ có thể làm mentor hoặc buddy của bạn khi bạn gia nhập công ty.
Chúc các bạn phỏng vấn thành công.
Nếu kết quả không như ý, bạn cần làm 4 việc để rút kinh nghiệm cho lần tới. Bạn có thể tham khảo các khóa học về viết Resume hay hồ sơ Linkedin