25 cách để giảm chi phí sinh hoạt của bạn ở New Zealand

Chi phí sinh hoạt đắt kinh khủng?

Nhờ vn2nz và môi trường làm việc, tôi thường xuyên tiếp xúc nhiều cá nhân & gia đình người Việt.

Nhiều người mới đến không tìm hiểu trước về NZ hay chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, họ thường bị sốc. Cái sốc đầu tiên, đó là giá hàng hóa ở cửa hàng và siêu thị của New Zealand.

Không phải nói quá sự thật, nhiều người cảm thấy kinh hãi vì giá cả đắt đỏ, nhất là khi chưa có việc làm.

Tuy nhiên, giờ đây bạn có thể tìm hiểu kỹ NZ trước khi đi vì có nhiều trang web của người Việt chia sẻ thông tin so với cách đây vài năm. Trước khi mua gì (từ đồ nội thất, quần áo, thiết bị điện tử…), bạn có thể kiểm tra online.

Những người đã sống ở đây lâu, khi nhìn bảng giá online, họ thậm chí có thể cười. Đơn giản, họ đã trở thành “cáo” vì đã tìm ra cách để cắt giảm chi phí của họ.

Giúp các bạn “quẳng gánh âu lo chi phí sống tại NZ, vui cuộc sống xứ người”, tôi chia sẻ bài viết này. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ, tiêu dùng hợp lý hay tiết kiệm, nó khác hoàn toàn với keo kiệt, bẩn tính đấy nhé.

Mẹo tiết kiệm chi phí

1) Ngó nghiên trước khi mua 1 món đồ.

Lần đầu tiên khi sang đây, tôi chỉ biết mỗi siêu thị Countdown & Metro. Tuần nào đi chợ nấu nướng cũng mất hết $100/người.

Tôi mua mắc vì 2 lẻ: là ít khi đi chợ nấu nướng nên không biết mua cái gì kết hợp với gì, cho nó rẻ. Mà thích gì thì mua đó. Hai là mua mắc vì mua không đúng nơi.

Sau khi biết có chợ châu Á (Lim Chour), TaiPing. Songyuen (cũng đều ở trung tâm Auckland), tôi tiết kiệm được khoản 30$/tuần. Những món nào nên mua ở đâu sẽ có lợi hơn, tôi chịu khó cuốc bộ đến đó. Nhờ thế mà vòng eo cũng giảm còn 56 cm.

Hay gần đây, tôi đi bảo trì xe. Tiệm của kiwi ngay trung tâm gần chỗ làm, thì họ tính gần $200/lần. Trong khi mua deal trên groupon chỉ có 79$/lần. Chỉ cần lười, hay thiếu hiểu biết 1 chút thì đã trả giá đắt gấp 2-3 lần.

Mua 1 bao gạo ở Songyuen tất nhiên sẽ rẻ hơn mua bịch gạo 2 kg tại Countdown rồi.

2) KHÔNG mua vật dụng gia đình khi nó không được “Sales Off”

Các đồ vật dụng gia đình mua ở Warehouse, Briscoes, Kmart. Bất kỳ cái thứ gì bạn mua, họ cũng sẽ giảm giá sau đó.

Tôi dẫn các gia đình đi chợ, họ cứ há hốc mồm vì giá cả. Tôi bảo, món này chưa cần ngay thì ráng đợi thêm vài tuần nữa. Chắc chắn sẽ giảm giá vài chục %.

Đợi thêm vài tuần chắc cũng không đến nỗi chết cho các mặt hàng này. Nhưng nó giúp bạn tiết kiệm được một số tiền khi mưu sinh lập nghiệp ở đây.

3) Vì sao phải mua nguyên giá khi ta có thể mua hàng giám giá cho cùng món đồ?

Ở VN, bạn cần phải chưng diện hiệu này hiệu nọ và không muốn bị đụng hàng. Phần lớn là vì “khoe khoang” hơn là vì lợi ích của món đồ đó.

Mua hàng nguyên giá bạn thấy mình cao hơn người mua hàng giảm giá. Tôi đã gặp những người dạng này rồi.

Các hệ thống bán lẻ hay có chính sách xoay vòng giảm giá cho các mặt hàng của học. Một phần để thu hút khách hàng, một phần để cạnh tranh với hệ thống khác. Hiểu được điều này, bạn chỉ cần so sánh 2 hệ thống giống nhau, tìm cùng món hàng. Chắc chắn bạn sẽ mua được rẻ hơn.

VD: tại thời điểm 27/8/2018 (đăng bài viết này), giá tivi Samsung 82″ loại 4K (UA82NU8000SXNZ) bán tại cửa hàng Noel Leeming & JB Hife chênh nhau gần 3000.

4) Đừng bỏ thói quen mặc cả (trả giá) nhứng món có giá trị

Khi tôi mua bất kỳ món gì, ở bất kỳ đâu. Tôi luôn hiểu sức mạnh của người mua, vì thế tôi hay trả giá. Tôi có 1 cậu em (bạn) hay hỏi sao anh hay trả giá quá. Đôi khi trả giá là 1 thú vui.

Khi mua toàn bộ nội thất của 1 cặp vợ chồng kia, họ ra giá 7000 sau khi tính toán giá vốn, khấu hao…Tôi bảo họ, bán cho tôi 5k thôi, tôi trả tiền ngay, khỏi phải tốn công di chuyển, thuê người khuân vác…Và họ đồng ý.

Đến 1 hãng chuyên bán đồ nội thất, cũng chỉ vài câu mặc cả, mà được vận chuyển miễn phí và giảm giá.

Tất nhiên bạn phải hiểu luật chơi, không phải chỗ nào cũng mặc cả được, có những món đồ không bao giờ mặc cả được.

Vì vậy, đừng ngại mở miệng trả giá, không mất gì đâu, chỉ được thôi.

5) Bất kỳ trường hợp nào, món đó đã là giá tốt nhất chưa?

Nếu vợ tôi đọc đoạn này, chắc bạn ấy sẽ cười vì tôi hay mua mắc. Vì có nhiều lần vợ bảo tôi phải đến chỗ A, món đó sẽ rẻ hơn 20%, nhưng tôi lại bảo không. Mua luôn đi.

Để đi đến chỗ A, chúng ta sẽ mất thêm x% tiền xăng, thời gian di chuyển, trong khi món đó chỉ rẻ hơn không đáng kể. Thôi “bấm bụng” mua đắt hơn 1 chút rồi về nhà thư giản thay vì lại đi 1 quảng nữa.

Ngay cả khi họ gắn bảng “sales off”, liệu nó đã rẻ nhất chưa hay còn chỗ khác rẻ hơn. Nếu chỗ khác rẻ hơn, nó có đáng giá để bạn đến đó không

6) Họ sinh ra không phải để bán hàng

Đi khu vực ngoại ô, bạn có khi thấy mấy cái bảng lề đường ghi 0.5$/kg táo trong khi siêu thị bán $1.9/kg. Đơn giản vì họ là những người không chuyên, cây nhà lá vườn thì bán rẻ là chuyện thường.

Tôi muốn có bộ loa đứng dùng bluetooth, thế là online tìm. Thời điểm tôi mua, cửa hàng bán $699/bộ. May mắn, tôi tìm được 1 người được công ty thưởng cho cái loa y chang còn nguyên tem. Tôi liên lạc và được mua với giá $370.

Đôi khi họ dư thì họ bán lại rẻ. Tìm được những người bán như vậy, xem như bạn được một món hời.

7) Mua tại cửa hàng chuyên biệt sẽ rẻ hơn siêu thị

Mua tất cả trái cây và rau quả  từ cửa hàng chuyên biệt trái cây và rau quả, rẻ hơn nhiều. Ai mua thịt ở Auckland mà không biết đến chuỗi Mad Butcher

8) Dự trữ khi hàng giảm giá hàng loạt

Sữa Almond loại 1 lít, bình thường siêu thị bán $4.29/hộp. Đôi khi họ giảm giá còn $2, tôi mua vài thùng để trữ.

1 gia đình bạn tôi, họ thích ăn chuối, khi vào mùa, họ mua về bỏ ngăn đá, xem như ăn kem chuối.

Tất nhiên cách này các bạn độc thân thường không có điều kiện làm vì share phòng, ít có diện tích để trữ đồ.

9) Mua nguyên liệu & chế biến, bảo quản và dùng dần

Cách này người độc thân cũng ít khi dùng. Chỉ người có gia đình thì họ hay làm cách này. Thay vì mua kim chi, chỉ cần ra chợ châu Á mua cải về muối ăn.

Cách này vừa tiết kiệm, vừa biết bạn đang ăn cái gì vào bụng. Thành phần là bạn chủ động

10) Chi phí tiện ích (điện, internet) của bạn có rẻ nhất chưa?

Khi các gia đình gặp nhau, bọn tôi thường chia sẻ chi phí điện nước vì có người đã có nhà, có người chuẩn bị dọn nhà…Họ hay ngạc nhiên sao giá điện, internet…của tôi lúc nào cũng rẻ hơn

Bạn có thể dùng powerswitch.co.nz và nhập địa chỉ nhà của bạn để tìm phương án tốt nhất cho bạn.

Tương tự, bạn có thể dùng https://www.broadbandcompare.co.nz & nhập địa chỉ nhà để tìm giá tốt nhất cho internet

11) Mua hàng điện tử thì sao?

Kiểm tra www.pricespy.co.nz 100 lần và các trang web khác trước khi mua bất kỳ mặt hàng điện tử nào.

12) Hãy mua deal hoặc nhận khuyến mãi qua email

Người NZ họ hay dùng Grabone, Groupon và cheapies để mua deal hay lấy coupon miễn phí.

13) Mua hàng trên trademe

Đây là trang thương mại điện tử của NZ. Để mua bán trên đó, bạn cần phải mở một tài khoản & thẻ tín dụng.

Phần lớn người mua, bán trên này là trung thực. Mua trên này đa phần là trả tiền trước nhận hàng sau. Trừ 1 số bạn có thể trả tiền mặt (như bạn & người bán ở gần nhau).

Trên đây bán thượng vàng hạ cám. Nên bạn vẫn phải dùng những mẹo kể bên trên để mua được món hàng mình thích.

14) Tiết kiệm tiền khi đi/đến sân bay

Từ VN sang NZ

Đối với gia đình: các bạn có thể đặt xe từ các người VN trên hội, hoặc thuê xe taxi từ sân bay. Giá cũng khoảng 50$/lượt

Nếu các bạn đơn thân, các bạn có thể đi taxi. Hoặc đi xe Sky Bus hoặc shuttle bus. Nếu đi vào trung tâm bằng shuttle bus, hãy đặt online và dùng cái code này UNI, bạn sẽ được giảm 10%

Từ nhà (ở Auckland) ra sân bay Auckland

Giống như trên. Ngoài ra, bạn có thể lái xe đến gần sân bay, để xe ở đó qua đêm (mỗi ngày khoảng 6$), họ sẽ chở bạn ra sân bay. Đến khi quay lại Auckland, xe sẽ đón bạn và chở về chổ bạn đậu xe.

Có nhiều cty lo cho bạn việc này. Tôi hay dùng Park & Fly

15) Trở thành nhà vận chuyển (Transporter)

Nhiều du khách đến NZ chơi, họ thuê xe từ Auckland để đi Queenstown du lịch chẳng hạn. Đến Queenstown, họ trả xe tại đó và công ty thì cần xe tại Auckland, nhưng không ai mang về.

Nếu thích lái xe, thì bạn nên mua máy bay từ Auckland xuống Queenstown. Chặng về, bạn có thể thuê xe giá 0 đồng để lái chiếc xe bên trên về lại Auckland. Các công ty thường cho bạn vài ngày để vận chuyển xe cho họ. Thậm chí họ hỗ trợ tiền xăng xe, tiền phà.

Đây là mô hình win-win. Đơn vị thì cần xe về vị trí cũ, bạn thì cần xe lái. Bạn trở thành nhà vận chuyển (transporter) chính hiệu.

16) Xem phim giá rẻ

Đi xem phim vào thứ Ba (để tận dụng vé giảm giá) thay vì xem chương trình cuối tuần thường tốn kém. Bạn cũng có thể đến Imax ở Westcity để mua vé đồng hạng (10$) mỗi ngày

Xem phim ở academy cinema ( tâng hầm bên cạnh auckland library) thứ 4 chỉ có $5

17) Đăng ký thành viên Flybuys

Đây là 1 cái thẻ thành viên, dùng để tích điểm khi mua hàng. Từ mua sắm thực phẩm ở New World hay đồ điện máy ở Noel Leeming. Tích tiểu thành đại

Bạn sẽ đổi điểm thưởng để lấy đồ dùng gia đình, không cần phải mua nữa.

18) Đăng ký neighbourly.co.nz

Bạn ở khu nào thì đăng ký thông tin khu đó. Bạn sẽ nhận được nhiều thông tin về khu vực bạn đang sống:  sự kiện gia đình như hội chợ vui, sự kiện chủ đề trẻ em.

Đa phần là miễn phí

19) Thẻ thư viện & Kindle

Mặc dù thư viện công cộng rất phổ biến nhưng nhà sách vẫn sống khỏe vì người NZ thích đọc sách. Tuy nhiên, sách ở đây tương đối đắt tiền. Vì vậy, bạn nên làm thẻ để đọc sách miễn phí.

Nếu phải mua sách, bạn nên sắm cái kindle, mua sách điện tử rẻ hơn nhiều. Lại dễ mang đi khi du lịch hay di chuyển bằng xe buýt.

20) Tiết kiệm xăng

Xăng ở NZ thì đắt kinh khủng. Nếu chiếc xe chỉ chở 1 mình bạn đi làm thì lãng phí quá đúng không? Xem có thể vận chuyển cả nhà thay vì 1 mình bạn.

Một cách tiết kiệm xăng xe là phải thường xuyên bảo trì bảo dưỡng xe. Ngoài vấn đề kỹ thuật máy móc xe tôi không đề cập đến vì tôi không biết kiểm tra như thế nào. Cách dễ dàng làm nhất là coi áp suất bánh xe.

Bánh xe căng thì ma sát ít hơn, ít hao xăng hơn bánh xe mềm.

21) Đi chợ trời

Mỗi sáng chủ nhật, ở từng khu vực có tổ chức chợ trời. Là chợ dành cho dân địa phương mang đồ ra bán. Phần lớn là đồ “của nhà trồng được” nên cũng rẻ.

22) Mua đồ ở hội chữ thập đỏ (Red Cross)

Một cái ấm điện giá 2$, một bộ bình trà kiểu Anh 5$…là 1 trong số các vật dụng nhà tôi mua được ở đây. Họ bán đồ để làm từ thiện. Nguồn hàng ở đây là đồ dùng do những người như bạn tặng. Bạn dư món nào đó, cứ mang tặng. Họ sẽ bán cho người cần mua.

23) Mua hàng ở cửa hàng Reduced

Không biết khu vực khác thế nào, khu tôi ở có cửa hàng reduce. Ở đây bán đồ sắp hết hạn. Nếu mua dùng ngay, thì bạn có thẻ mua được nhiều món rất hời. Phần lớn là đồ châu Âu

Các bạn cần chú ý đến chữ “best before” & “expiry date”.

Best before: tức là tốt nhất là tiêu thụ trước ngày ghi trên nhãn. Sau ngày trên nhãn, hàng vẫn có thể sử dụng, tuy nhiên nó không còn giữ được nguyên hình dạng nguyên thủy

Expiry date thì nói rằng đây là ngày cuối cùng sản phẩm còn an toàn cho người sử dụng.

Khi mua hàng ở cửa hàng này, bạn phải chú ý chữ trên bao bì thuộc loại nào mà quyết định.

24) Các cách bá đạo khác

a) Nhờ bạn bè (làm trong hãng nào đó) mua đồ của hãng đó cho bạn. Thường nhân viên sẽ mua được giá nhân viên. Tôi hay nhờ cô bạn là chủ 1 nhà hàng mua giúp các loại thịt đặc biệt loại tốt chỉ bán cho nhà hàng.

b) Bạn & bạn của bạn share nhau tiền Netlix vì netflix cho xài 4 thiết bị. Tất nhiên là xài cùng mật khẩu

c) Nếu bạn là sinh viên 1 trường, bạn có thể cài miễn phí office có bản quyền.

25) Kiếm tiền thật nhiều để không phải mệt óc tiết kiệm từng xu, từng đồng

Đây là cách ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng làm được ở xứ giãy chết này.

Nếu có 100 đồng, hãy mua cái túi giá 10 đồng và để 90 đồng trong đó. Còn hơn là mua cái túi 100 đồng mà có 0 đồng trong đó.

Phần kế tiếp sẽ là cách kiếm tiền online bằng tiếp thị liên kết – tôi làm được, các bạn cũng làm được.

Bạn có cách nào khác để cắt giảm chi phí sinh hoạt ở New Zealand? Hãy chia sẻ ở phần comment nhé

Spread the love

2 bình luận trong “25 cách để giảm chi phí sinh hoạt của bạn ở New Zealand”

  1. Em xin chia sẻ thuê nhà giá rẻ ạ: Có thể tìm trên trang Easy roomate hoặc Trade me. Khi có người liên hệ có thể hỏi có thể làm thêm công việc dọn vệ sinh trong nhà để giảm chi phí thuê nhà.( Nhà có nhiều phòng cho thuể hay cần người dọn vệ sinh chung) Một tuần có thể tiết kiệm được 40$, nhưng phải tỉnh táo để không dọn quá nhiều giờ trong một tuần ản hưởng đến việc học/ làm của mình 🙂

  2. cám ơn em đã chia sẽ kinh nghiệm này, hy vọng các bạn mói đến có thể áp dụng được

Để lại một bình luận

Lên đầu trang